Hương vị của nồi bánh chưng

09:42 | 26/01/2020
(LĐTĐ) Trong nhịp sống hối hả hiện đại, có nhiều nét văn hóa dần bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt coi trọng đó là tục gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán. Đây là nét đẹp không thể thiếu được vào mỗi dịp xuân về. Với nhiều người, mùi thơm của nồi bánh chưng nghi ngút khói, lan tỏa trong không gian ấm cúng là một thứ mùi đặc biệt khiến họ phải thổn thức.
huong vi cua noi banh chung Hương của Tết
huong vi cua noi banh chung Lính cứu hoả khéo tay trổ tài gói bánh chưng
huong vi cua noi banh chung Tác hại khi ăn quá nhiều bánh chưng dịp Tết

Vào những ngày cuối năm, ai xa quê cũng mong hoàn thành sớm công việc để được về đoàn tụ với gia đình. Mơ ước cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con coi như món quà đầu năm mới.

huong vi cua noi banh chung
Gói bánh chưng là nét đẹp không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về (Ảnh: K.Tiến)

Là một người gốc Hà Nội, bà Nguyễn Thị Đức Lưu (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày xưa, trước Tết khoảng vài, ba ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín. Ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng”.

Với người Việt, bánh chưng vẫn là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Vì ý nghĩa đó mà ngày nay dù rất bận rộn nhưng ở nhiều nơi, người dân vẫn vận động, rủ nhau tiếp tục thực hiện phong tục này để tìm lại hương vị ngày Tết. Làng Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một ví dụ. Dân làng bắt đầu gói bánh chưng Tết từ trung tuần tháng Chạp. Từ sáng sớm, các cụ đã vo gạo, rửa lá, đãi đỗ bên giếng cổ. Gạo nếp, đỗ xanh, lá dong đều được tuyển chọn kỹ càng. Những chiếc bánh chưng, bánh tét đều được gói thủ công bằng tay một cách cẩn thận, kỹ lưỡng.

Ông Trịnh Bá Tín (người dân làng Yên Trường) chia sẻ: “Từ bao đời nay, người dân làng Yên Trường chúng tôi vẫn giữ gìn tục gói bánh chưng ngày Tết. Chúng tôi quan niệm rằng, đã cúng tổ tiên là phải có bánh chưng. Bánh chưng trong ngày Tết dâng lên tổ tiên thể hiện tình cảm với những người đã khuất.

Đặc biệt, mâm cơm ngày Tết mang ra mời khách phải có sắc màu xanh mướt của bánh chưng mới thêm phần đậm đà. Mỗi gia chủ đều muốn mời khách thử bánh chưng nhà mình, đó được coi như một điều may mắn với gia chủ và như một lời chúc may mắn cho năm mới. Có nồi bánh chưng mới có không khí ngày Tết”.

Không chỉ ở các vùng ngoại thành Hà Nội giữ được thói quen cũ mà ngay giữa nội đô, nơi đất chật người đông, bằng nhiều cách khác nhau người ta vẫn cố níu giữ nét truyền thống. Còn nhớ, Tết Nguyên Đán 2019, vì một số lý do riêng mà tôi có dịp ở lại Hà Nội trong những ngày cận Tết.

Trong buổi chiều 29 Tết, đi qua một ngõ nhỏ trên đường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), tôi vẫn bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình hì hụi quây bạt một góc để cùng nhau nấu bánh chưng. Trên gương mặt của mỗi người hiện nguyên nét vui mừng, ấm áp và mãn nguyện. Chợt nghĩ, những phong tục tốt đẹp của người Việt đâu dễ mất đi, chỉ là nó lẩn khuất đâu đó mà thôi.

Nhắc đến hương vị của ngày Tết, ông Đinh Xuân Toàn (phố Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội) nói rằng, ông không thể quên kỉ niệm những đêm giáp Tết. Trời lạnh, cả gia đình thức thâu đêm ngồi trông nồi bánh bên bếp lửa hồng, với những củ khoai được vùi sâu trong lớp than hồng rực, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn trong một năm qua. Ông Toàn chia sẻ: “Vào những ngày từ 26 trở đi, Hà Nội vắng hơn thường lệ.

huong vi cua noi banh chung
Ảnh Kim Tiến

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là bà nhà tôi lại tất bật đi tìm lá dong, gạo ngon để gói bánh chưng. Đến đêm 29 Tết, tôi cùng gia đình con cái ngồi gói bánh chưng. Chúng tôi chỉ cho con, cháu cách gói sao cho đẹp, luộc sao cho bánh chín từ ngoài vào trong. Gia đình tôi vẫn giữ nguyên thói quen hàng chục năm nay, bởi chúng tôi mong muốn con cái, cháu chắt sau này vẫn được hưởng cái không khí, hương vị ngày Tết cổ truyền”.

Ông Trần Thanh Ca - Bí thư Chi bộ, Tổ dân phố số 4, phường Khương Trung chia sẻ: “Hằng năm, rất nhiều hộ gia đình ở đây vẫn còn giữ được truyền thống gói bánh chưng ngày Tết. Thậm chí, mọi người còn hào hứng tổ chức cuộc thi giữa các nhà để tạo không khí vui tươi giữa các hộ, giữa con cái với cha mẹ, ông bà với các cháu chắt. Tôi cho rằng truyền thống này nên được gìn giữ và phát huy đến mai sau”.

Hòa cùng sự phát triển của xã hội, bánh chưng cũng ngày càng trở nên phong phú về kích cỡ và hương vị. Vào những ngày cuối năm, tại sạp bánh ở khắp các khu chợ, từ nông thôn tới thành thị, người ta có thể lựa chọn cho mình các loại bánh chưng từ to đến nhỏ, với vị mặn hay ngọt, cũng có thể mua bánh chưng chay. Thế nhưng, mùi vị của bánh chưng ngày Tết của mỗi gia đình vẫn không thể lẫn vào đâu được.

Xa quê gần chục năm nay, chị Nguyễn Hoài Anh (hiện đang sinh sống tại Nhật Bản) vẫn thổn thức mỗi dịp Tết đến Xuân về. “Không phải bên này thiếu bánh chưng, khi cần lúc nào cũng có. Thế nhưng bao năm nay tôi vẫn khát khao được hít hà cái mùi vị bánh chưng đang nấu ngày Tết. Bởi đó là mùi vị của sự đoàn viên”, chị Hoài Anh cho biết.

Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm nét văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi chúng ta trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp. Mỗi khi nhớ đến bánh chưng người ta thường nghĩ ngay đến cái Tết và ngược lại. Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn nhưng truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại mai cho mai sau.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này