Xuân về trên Mù Cang Chải

20:13 | 25/01/2020
(LĐTĐ) Núi, đồi trùng điệp, xa xa là những thửa ruộng bậc thang vàng óng xen kẽ màu lúa, màu vàng của loài hoa cải Dầu đua nở trong tiết khí xuân. Tiếng Khèn của những đôi lứa yêu nhau xa xa vọng về hòa quyện trong cái lạnh giữa đất trời Tây Bắc như đưa ta vào chốn “bồng lai tiên cảnh” dưới hạ giới có tên Mù Cang Chải.
xuan ve tren mu cang chai Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ qua góc máy của nghệ sỹ trẻ
xuan ve tren mu cang chai Mù Cang Chải đẹp như tranh vẽ vào mùa những con nước đổ ải

Mỗi năm lúa vào mùa hay khi đào khoe sắc, Mù Cang Chải luôn là điểm đến yêu thích của những người theo “chủ nghĩa xê dịch”. Vượt 300 km từ Hà Nội và những con đường núi chênh vênh, người ta đến với Mù Cang Chải chỉ để một lần được thả mắt, đắm chìm trong những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn tưởng chừng vô tận.

xuan ve tren mu cang chai
Sắc xanh xen lẫn vàng, ruộng bậc thang như những dải lụa nhiều màu mềm mại, lộng lẫy.

Có lẽ chẳng ở đâu, ruộng bậc thang lại bát ngát đến thế. Lúa trải dài dưới thung lũng, lúa men trên sườn núi, hết đỉnh này lại kế tiếp đỉnh kia, tầng tầng lớp lớp, với sắc xanh xen lẫn vàng, ruộng bậc thang như những dải lụa nhiều màu mềm mại, lộng lẫy. Giữa đất trời bao la, hít căng lồng ngực thứ hương thơm nhẹ nhàng, man mát của lúa chín tràn vào phổi sẽ khiến bạn quên đi tất cả những xô bồ của cuộc sống chốn đô thành.

Mù Cang Chải địa danh thuộc tỉnh Yên Bái có 700 ha ruộng bậc thang, trong đó tập trung chủ yếu ở xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh thắng cấp Quốc gia. Không chỉ nổi tiếng với thắng cảnh ruộng bậc thang, Mù Cang Chải còn có nhiều địa điểm có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái như: Khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải), suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha, khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt; các khu Du lịch cộng đồng tại Bản Thái thị trấn, La Pán Tẩn, Nậm Có, Cao Phạ, Dế Xu Phình, đặc biệt là địa điểm khai thác du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ.

Do đây là nơi quần cư của đông đảo đồng bào Mông sinh sống, nên ở Mù Cang Chải có bản sắc văn hóa dân gian rất đỗi độc đáo. Trong đó phải kể đến với các nghi thức lễ hội gầu tào, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi… Và điều đặc biệt, bất kỳ lễ hội nào cũng không thể thiếu các lời ca, tiếng hát, điệu khèn, tiếng sáo… tất cả tuân theo một quy luật chung là tượng trưng cho sự hòa quyện giữa trời đất và vũ trụ.

Người Mông ở đây không chỉ đam mê tiếng hát, tiếng khèn mà trong hồn cốt của họ tựa bao đời rất có năng khiếu về nghệ thuật hội họa. Trong chiều mùa Đông chuẩn bị tiết Xuân sang, chúng tôi tìm đến La Pán Tẩn địa danh nằm trên đỉnh Khau Phạ, một trong “tứ đại đỉnh đèo”, cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, nơi đây không chỉ tạo ra những thửa ruộng bậc thang để canh tác, mà còn tạo ra những công trình nghệ thuật từ ruộng bậc thang kỳ vĩ...

Chính sự sáng tạo ruộng bậc thang mang đậm dấu ấn nghệ thuật đã góp phần đưa nơi đây trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn du khách khi đến thăm Mù Cang Chải. “Lúa xen hoa cải ánh vàng/Đất trời mở hội/ Dân làng ấm no/ Tiếng khèn, điệu sáo si mê/ Rượu hừng đôi má em nhìn liếc anh”- một bạn trẻ đi cùng tôi, khi dạo một vòng Mù Cang Chải bỗng thốt ra những lời thơ như vậy.

Cái hay ở Mù Cang Chải bây giờ, cảnh vật vẫn vậy, người dân vẫn sống theo đúng bản chất văn hóa mà tổ tiên mình để lại, nhưng có điều khác xưa họ đã biết “hít thở” hơi hướng của cuộc sống đương đại để vươn lên làm giàu. Bởi thế, những năm qua, bà con dân tộc Mông đã biết cách làm giàu từ du lịch.

xuan ve tren mu cang chai
Những ruộng bậc thang ngút ngàn và mênh mông

Trò chuyện với tôi, anh Thức – người dân tộc Thái – chủ một homestay ở huyện Mù Cang Chải cho biết: “Nhiều gia đình ở huyện đã tham gia phát triển dịch vụ homestay, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, cũng là để giúp du khách hiểu hơn về nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông”. Nhờ kinh tế phát triển, hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ở Mù Cang Chải cũng rất phát triển.

Mù Cang Chải địa danh thuộc tỉnh Yên Bái có 700 ha ruộng bậc thang, trong đó tập trung chủ yếu ở xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh thắng cấp Quốc gia.

Bên cạnh sự cần cù, siêng năng, có thể nói, kinh tế du lịch đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của con người nơi đây. Và điều đặc biệt, trong lần trở lại Mù Cang Chải xuân này sau bao nhiêu năm chưa quay lại đó là người Mông cũng bắt đầu ăn Tết như người Kinh. Một bạn trẻ người Mông đang theo học ở Thủ đô mà tôi bắt gặp ở nơi đây tâm sự rằng: “Người Kinh, người Thượng, người Mông, người Thái, hay người Ba Na, Sê Đăng như Bác Hồ nói đều là người Việt Nam.

Bởi thế, bên cạnh việc phát huy truyền thống dân tộc mình, bà con người Mông những năm qua đều ăn Tết như người Kinh. Chúng tôi gọi là ăn Tết Việt Nam. Tự hào lắm, Tết này lại được xem U23 Việt Nam tranh tài”… nghe bạn trẻ nói lòng tôi cứ thấy lâng lâng trong chiều cuối Đông, đầu xuân miền Tây Bắc.

Hoa Cải vẫn vàng, hoa Mận, hoa Mai đang đua nhau nhuộm trắng trên núi rừng Tây Bắc. Chia tay Mù Cang Chải, chúng tôi trở về Thủ đô để đón Tết cùng gia đình. Ngoái nhìn lại những thửa ruộng bậc thang, thoảng nghe xa những điệu khèn lòng tôi không khỏi bồi hồi.

Cảm nhận trong chuyến đi này là Mù Cang Chải phong cảnh vẫn hữu tình đến hoang sơ, nhưng cái khác là người dân nơi đây đã biết nâng tầm phong cảnh thành đỉnh cao nghệ thuật sáng tạo, song vẫn giao hòa được sự tự nhiên vốn có. Và chính nhờ sự thức thời, biết hòa mình vào hơi thở của thời đại nên nơi đây ngày một sầm uất, đời sống người dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Tạm biệt Mù Cang Chải, hẹn gặp lại.

Phương Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này