Kinh tế tư nhân lớn mạnh đang là “đầu tàu” kéo nền kinh tế đi nhanh hơn

20:36 | 24/01/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, Việt Nam đang hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đủ sức làm chủ một số lĩnh vực kinh tế then chốt, đồng thời mang trong mình hoài bão vượt khỏi biên giới quốc gia để khẳng định tầm vóc. Qua đó, thế giới có thể thấy được hình ảnh một đất nước Việt Nam đang trỗi dậy từng ngày.
kinh te tu nhan lon manh dang la dau tau keo nen kinh te di nhanh hon Kinh tế Việt Nam cần có mũi nhọn đột phá
kinh te tu nhan lon manh dang la dau tau keo nen kinh te di nhanh hon Kinh tế tư nhân là động lực mới cho phát triển
kinh te tu nhan lon manh dang la dau tau keo nen kinh te di nhanh hon Luồng gió mới để kinh tế tư nhân phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong những lần gặp gỡ doanh nghiệp (DN), doanh nhân đều nhắn gửi thông điệp, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.

kinh te tu nhan lon manh dang la dau tau keo nen kinh te di nhanh hon
Kinh tế tư nhân đang trở thành "đầu tàu" kéo nền kinh tế đi nhanh và đúng hướng

Nhìn ra thế giới, các nền kinh tế mạnh đều dựa vào những DN tư nhân dẫn đầu. Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã lột xác với “Kỳ tích sông Hàn” nhờ các tập đoàn tư nhân lớn hay siêu lớn. Những tên tuổi như Samsung, Hyundai Motor, Posco, Kia Motors, LG... không chỉ định danh nền kinh tế Hàn Quốc mà còn là “cây gậy quyền lực” của quốc gia này.

Trong đó, nhiều quốc gia khác cũng có các tập đoàn siêu mạnh, tạo nên thương hiệu quốc gia và thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu như Apple, Google, Alibaba, Amazon, Toyota… Theo một thống kê năm 2012, trên thế giới chỉ có 18 quốc gia có GDP trên 500 tỷ USD, trong khi giá trị thị trường của riêng Apple đã vượt 570 tỷ USD. Năm 2018, Tạp chí Fortune công bố danh sách Fortune 500 gồm 500 công ty lớn nhất tại Mỹ. Theo đó, tổng doanh thu của 500 DN này là 12,8 nghìn tỷ USD, chiếm tới 2/3 doanh thu của Mỹ.

Nhìn lại Việt Nam, nước ta đang đặt mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN vào năm 2020, hơn 1,5 triệu DN vào năm 2025 và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030. Những năm gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng ở mức trung bình 6-7%/năm, vị thế của Việt Nam trên thế giới đã thực sự thay đổi. Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về việc đổi mới mô hình tăng trưởng, luôn nằm trong top những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo…

Tại buổi công bố Sách Trắng DN lần đầu tiên vào ngày 10/7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khối DN tư nhân đã vươn lên dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách nhà nước vượt cả khối DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) và DN Nhà nước.

Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động trên cả nước đạt 20,66 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần của khu vực DN ngoài nhà nước đạt 11,7 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng doanh thu). Trong khi khu vực DN FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng và khu vực DN Nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng.

Việt Nam hiện là nền kinh tế cạnh tranh thứ 67/141 nước trên thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2018, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố. Góp phần vào thành quả đó có sự đóng góp to lớn của DN tư nhân, đặc biệt là những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

Những “con số biết nói” kể trên đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ, vai trò không thể phủ nhận của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh chính là đầu tàu kéo con tàu kinh tế đi nhanh và đúng hướng.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này