Làm gì để trẻ có động lực về quê ăn Tết?

08:23 | 23/01/2020
(LĐTĐ) Cuối năm, mấy chị em phụ nữ chúng tôi lại tụ tập nhau bàn về chuyện sắm tết, rồi lại lan man sang chuyện về quê ăn tết. Nhiều người thở dài bảo, buồn nhất là con cái chẳng đứa nào muốn về quê, nhưng lại không thể bỏ chúng ở thành phố mà không có ai trông nom được. Thôi thì đành phải “bắt về quê”.  
lam gi de tre co dong luc ve que an tet Thăm, tặng quà gia đình chính sách xã Đường Lâm
lam gi de tre co dong luc ve que an tet Chất lượng dân số của Việt Nam được cải thiện về nhiều mặt

Đối với tôi, việc cho con về quê ăn tết lại không phải là điều đáng sợ như một số bà mẹ khác. Trước đây, tôi cũng đã từng trải qua những lúc khó xử khi con không chịu về quê, còn bây giờ, về quê lại biến thành một sự kiện đáng trông đợi nhất trong năm của lũ trẻ.

Còn nhớ cách đây ba, bốn năm, cả nhà khăn gói về quê vào chiều hai mươi chín Tết. Lúc đó, đứa lớn đã sang lớp sáu, đứa bé lên lớp năm. Mải lo sắm sửa về quê nên tôi cũng không để ý đến thái độ của bọn trẻ, cứ mặc định là “lên đường”, bởi từ bé chúng chưa hề phản đối chuyện về quê.

Cho đến buổi sáng mùng một Tết, tôi gọi các con dậy để chuẩn bị đi chúc tết họ hàng thì đứa lớn nhất định không đi. Nó bảo: “Con mệt lắm, bố mẹ đi với em đi, còn thích ở nhà đọc sách hơn”. Lúc đó tôi mới để ý nó về quê mà ôm theo một chồng sách đủ loại, nào là sách trinh thám, sách ngôn tình… cứ như thể cả cái tết chỉ dành cho sách vậy. Tôi nói thêm vài câu nó mới uể oải mặc đồ qua loa rồi đi theo bố mẹ đi chúc tết.

lam gi de tre co dong luc ve que an tet
(Ảnh minh họa: Diệp Anh)

Vừa ra khỏi cổng, gặp một tốp người lớn bé có cả, họ chào hỏi gia đình chúng tôi, con bé lớn cũng nhanh nhảu chào lại: “Cháu chào cô, cháu chào chú, em chào anh chị”. Bà nội thấy thế liền chỉnh: “Ấy ấy, đây là em của con, đây là cháu gọi con bằng dì, còn đây, đứa bé này phải gọi con là bà trẻ đấy”. Tôi thấy mặt con bé đỏ lựng lên, nó lí nhí: “vâng, ừ… à… ”. Kể từ lúc đó, gặp ai nó cũng không dám chào, chỉ núp sau lưng mẹ, rồi hỏi nhỏ xem xưng hô thế nào. Sau buổi chúc tết hôm đó, đến mùng hai tết con bé nhất định không đi vì… ngại.

Còn đứa thứ hai, tuy mới học lớp năm nhưng cũng không mặn mà gì với chuyện ăn tết ở quê. Thằng bé rất khó tính, suốt ngày than thở là không có gì chơi, ăn uống không hợp khẩu vị, toàn đồ nếp với bánh chưng. Đi đâu được một lúc là đòi về hoặc xị mặt ngồi một góc, khiến vợ chồng tôi rất áp lực. Muốn mắng mỏ con thì sợ tết mất vui, nhưng cứ thấy nó tự cô lập lại bực mình.

Năm ấy, trên đường về, tôi trò chuyện với các con rất nhiều về chuyện ăn tết ở quê. Đó không chỉ là chuyện về quê ăn tết mà còn vì truyền thống gia đình, nếu không về quê thì chỉ vài năm là con trẻ sẽ xa rời quê hương, ông bà, họ hàng, tình cảm cũng vì thế mà phai nhạt, không còn gắn kết.

Nghe thì biết thế, nhưng bọn trẻ cũng không hào hứng với chuyện ăn tết ở quê, chúng bảo rằng bây giờ không còn bé nữa, chúng có nhiều e ngại. Ngay cả việc xưng hô với họ hàng cũng còn không nhớ hết. Và hơn thế nữa, ở quê không có internet để chúng giao tiếp với bạn bè cùng lớp cho nên chúng cảm thấy như… đi trại.

Dù không hài lòng với sự phản ứng của con cái, nhưng chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng, những nhu cầu của chúng là chính đáng. Sinh ra và lớn lên ở thành phố với những điều kiện làm nên thói quen sinh hoạt của chúng, giờ trong mấy ngày tết được nghỉ xả hơi lại phải theo chân bố mẹ đi chúc tết hết họ hàng ở quê, nơi mà chúng không quen biết hết thảy mọi người. Đã thế điều kiện sinh hoạt cũng không được như ở thành phố, khiến cho chúng cảm thấy hụt hẫng vì những ngày nghỉ cứ như bị “cướp mất”.

Hè năm ấy, tôi mời ông bà nội lên Hà Nội chơi, còn về tận quê đón và mời thêm hai đứa cháu con nhà anh chị họ cùng tuổi với hai con tôi lên chơi nữa. Sau một ngày bỡ ngỡ bọn trẻ cũng tụ tập thành đội “bốn anh em siêu nhân” chơi với nhau rất vui. Ngày nghỉ tôi tranh thủ đưa cả bốn đứa đi dã ngoại, trải nghiệm ở ngoại thành, rồi xem phim, đi uống trà sữa, đi phố đi bộ, hiệu sách… mùa hè qua rất nhanh và cũng rất vui. Bọn trẻ hẹn nhau tết sẽ gặp nhau ở quê.

Tết năm ấy, các con tôi háo hức về quê hẳn. Không những được anh chị họ cùng tuổi (giờ đã rất thân) dắt đi chơi mà còn giới thiệu chơi chung với rất đông trẻ ở quê nữa. Bọn chúng gói bánh chưng, thả diều, ra đê đạp xe, tết thì tách bố mẹ ra đi chơi riêng… rất vui vẻ thoải mái. Tôi cũng bàn với chồng “kéo internet” về quê để mỗi khi không đi chơi, bọn trẻ lại tụ tập xem chung một cái máy tính hay cái ipad rồi bàn tán với nhau.

Từ đó đã mấy năm trôi qua, cứ gần đến tết là bọn trẻ háo hức gọi điện, hò hẹn với đám bạn ở quê. Mỗi năm chúng nghĩ ra mấy trò mơi để “quẩy” tưng bừng cả làng quê. Vào những đêm ba mươi, bọn trẻ tụ tập trong sân quanh nồi bánh chưng để nghe ông bà kể chuyện “ngày xưa”. Nhiều đứa rất ngạc nhiên khi trước kia ông bà mình cũng “quậy” đến thế, cũng nghịch nhất quỷ nhì ma ở làng.

Khi nghe các chị em than thở về việc con không chịu về quê ăn tết, tôi mới nhận thấy mình may mắn nhường nào. Nói cho cùng, mọi biện pháp ép buộc con “về nguồn cội” đều không mấy tác dụng. Nên chăng chúng ta hãy tìm cho trẻ một niềm vui để chúng có động lực về quê ăn Tết?.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này