Hà Nội sẽ tăng một số tiêu chí bình xét “Gia đình văn hóa”

22:25 | 20/01/2020
(LĐTĐ) Trong thời gian qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"  tại Hà Nội được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, với tỷ lệ 87% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” như hiện nay, đã đến lúc cần tăng về mặt chất lượng.
ha noi se tang mot so tieu chi binh xet gia dinh van hoa Đừng để nếp gia đình bị biến dạng
ha noi se tang mot so tieu chi binh xet gia dinh van hoa 94,4% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong năm 2019, toàn Thành phố có 87% gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa, 60% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70,5% Tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa”. Công tác xây dựng Nếp sống văn hóa cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đánh giá, bình xét đúng trình tự, quy định.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế cuộc sống hiện nay đang có nhiều biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp và rất dễ có thể nhận thấy trong mọi lĩnh vực, ở mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt là hoạt động phong trào, việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa, ở nhiều nơi trở thành hình thức.

ha noi se tang mot so tieu chi binh xet gia dinh van hoa
Ngoài các tiêu chí chung thì Hà Nội sẽ tăng một số tiêu chí bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa" (Ảnh minh họa: Quỳnh Nga)

Có một nghịch lý ở một số địa phương là khi số lượng gia đình văn hóa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ rất cao theo báo cáo, song thực trạng đời sống văn hóa - xã hội lại xuống cấp và diễn biến phức tạp, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mất trật tự an ninh gia tăng, đạo đức và các giá trị gia đình truyền thống suy giảm, mai một.

Theo Nghị định số 122 của Chính phủ, tiêu chuẩn để xem xét công nhận “Gia đình văn hóa” phải dựa trên 3 yếu tố: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Nghị định quy định, thang điểm tối đa làm căn cứ xét công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" và "Khu dân cư văn hóa" là 100 điểm. Tổng điểm của mỗi tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" và "Khu dân cư văn hóa" không dưới 50% số điểm tối đa.

Cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa" được thực hiện như sau: Hộ gia đình thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; Hộ gia đình thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ đạt từ 60 điểm trở lên; Hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b đạt từ 85 điểm trở lên.

Cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu "Khu dân cư văn hóa" được thực hiện như sau: Khu dân cư thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; Khu dân cư thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ đạt từ 60 điểm trở lên; Khu dân cư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b đạt từ 80 điểm trở lên.

Giấy khen "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa" được tặng không quá 15% trên tổng số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đủ 3 năm liên tục, khu dân cư được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đủ 05 năm liên tục.

Có thể thấy rõ, Nghị định mới về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân dân phố văn hóa, với nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc bình xét và phong tặng các danh hiệu văn hóa.

Nhìn vào những tiêu chí này, có thể thấy nhiều "Gia đình văn hóa" chưa thực sự đạt đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được bình xét đại trà.

Tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp kết thúc năm 2019, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Tuy tỷ lệ gia đình văn hóa cao, nhưng chúng tôi hiểu rằng, đã đến lúc chúng tôi không muốn tăng về mặt số lượng mà muốn tăng về mặt chất lượng. Có được danh hiệu cũng có thể mất danh hiệu, chứ không có chuyện đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì mãi mãi là "Gia đình văn hóa". Các cơ sở sẽ chặt chẽ hơn trong việc bình xét. Và tôi đã kiến nghị Thành phố, ngoài các tiêu chí chung thì Hà Nội sẽ tăng một số tiêu chí lên. Tôi hy vọng tỷ lệ 87% sẽ là tỷ lệ bền vững”.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này