Ngôi trường cách mạng xuyên thế kỷ

22:49 | 21/01/2020
(LĐTĐ) Là một trong số những ngôi trường cổ lâu đời nhất của Hà Nội, trường Trung học phổ thông (THPT) Chu Văn An ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí người Tràng An như một biểu tượng đẹp về hào khí trí tuệ. Mùa Xuân năm nay, trường bước sang tuổi 112 với biết bao thăng trầm của lịch sử, là nơi đã đào tạo biết bao nhân tài cho Thủ đô và đất nước.
ngoi truong cach mang xuyen the ky UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An
ngoi truong cach mang xuyen the ky Nét đẹp văn hóa của tục khai bút đầu Xuân
ngoi truong cach mang xuyen the ky Tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục

Tọa lạc trên con phố Thụy Khuê - một trong những phố thuộc loại lâu đời và dài nhất trong khu vực nội đô, Trường THPT Chu Văn An nổi bật với cổng trường mang kiểu cổ điển đặc trưng. Những mái nhà cổ của các lớp học thấp thoáng trong những tán cây xanh toát lên một vẻ đẹp của tri thức, kiến trúc và lịch sử tinh tế, hào hoa, vừa giản dị vừa thanh lịch, trang nhã của người và đất Kinh kỳ. Có thể nói, hiếm có một ngôi trường THPT nào tại Hà Nội có truyền thống lâu đời như Trường THPT Chu Văn An.

Ngược về lịch sử, ngôi trường được người Pháp thành lập năm 1908. Ban đầu, trường THPT Chu Văn An có tên là Collège du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng. Tuy nhiên, trường thường được gọi là trường Bưởi do nằm trên vùng Kẻ Bưởi. Người Pháp xây trường với mục đích đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị, nhưng trường Bưởi lại trở thành cái nôi của phong trào yêu nước, biểu trưng cho tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của tri thức Thủ đô.

ngoi truong cach mang xuyen the ky
Ông Dương Tự Minh chia sẻ những câu chuyện về ngôi trường hơn trăm năm tuổi. (Ảnh: P.T)

Thời gian đầu thành lập, học sinh trường Bưởi đã tổ chức nhiều cuộc bãi khóa đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, để tang nhà trí thức yêu nước Phan Chu Trinh. Nhiều học sinh trưởng thành trong các phong trào đấu tranh đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng và dân tộc như đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí Đào Tùng, Lê Văn Lương...

Sau khi đảo chính Nhật - Pháp, từ tháng 6/1945, trường chính thức được mang tên Chu Văn An - vị danh nho đời Trần, người thầy mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam. Lúc đó, trường Chu Văn An gồm 2 cấp học là cấp “Trung học phổ thông” 4 năm với các lớp đệ nhất phổ thông, đệ nhị phổ thông, đệ tam phổ thông, đệ tứ phổ thông (tương đương với lớp 6, 7, 8, 9 ngày nay) và cấp “Trung học chuyên khoa” 3 năm với các lớp đệ nhất chuyên khoa, đệ nhị chuyên khoa, đệ tam chuyên khoa (tương đương với lớp 10, 11, 12 ngày nay).

Để hiểu rõ hơn về những ngày tháng hào hùng của ngôi trường trăm năm tuổi, chúng tôi đã tìm gặp ông Dương Tự Minh - nguyên là cán bộ Thành Đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn. Cuộc gặp diễn ra ở nhà riêng của ông Minh tại 98A phố Hàng Bông. Mở đầu câu chuyện, ông Minh cho biết bản thân ông và gia đình có những “mối duyên” kì lạ với trường Chu Văn An.

Bởi ông chính là con trai út của cố giáo sư Dương Quảng Hàm - một nhà sư phạm nổi tiếng trước và sau Cách mạng tháng Tám, đồng thời cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của trường sau khi đất nước giành độc lập. Mối duyên của ông với trường Bưởi còn sâu đậm hơn nữa khi 6/8 anh chị em trong gia đình đều là học sinh của trường và trưởng thành từ đây.

“Những năm tháng học dưới mái trường gắn với thời tuổi trẻ sôi nổi nhất của chúng tôi, chính vì thế chúng tôi luôn tâm niệm phải gắn tình yêu trường với tình yêu cách mạng, tình yêu đất nước. Đầu năm 1948, tôi vào học lớp đệ nhất phổ thông của trường Chu Văn An ngay sau khi trường bắt đầu mở tại Hà Nội tạm bị chiếm.

Khi đó Hà Nội có 2 trường trung học công đó là Chu Văn An cho nam sinh và Trưng Vương cho nữ sinh. Trong thời kì kháng chiến, nhiều học sinh Chu Văn An đã gia nhập Trung đoàn Thủ đô chiến đấu. Phong trào học sinh kháng chiến Hà Nội được nhen lên từ trường Chu Văn An” - ông Dương Tự Minh nhớ lại.

Thời gian học tại trường, ông Dương Tự Minh cùng chị gái là Dương Thị Cương đã tham gia vào tổ chức học sinh kháng chiến do Thành Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội lãnh đạo. Công việc chính của Đoàn là tổ chức các hoạt động cho học sinh kháng chiến các trường ra báo bí mật, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền cho kháng chiến.

ngoi truong cach mang xuyen the ky
Một góc trường THPT Chu Văn An. (Ảnh: P.T)

Trong câu chuyện say sưa của mình, ông Minh kể rằng trường Chu Văn An chính là nòng cốt của phong trào học sinh kháng chiến toàn thành những năm 1949 -1950. Những cán bộ Đoàn nội thành đầu tiên xây dựng phong trào kháng chiến đều là học sinh trường Bưởi - Chu Văn An. Cuối năm 1949, việc 2 đoàn viên Học sinh kháng chiến Chu Văn An là Nguyễn Bội Tài và Nguyễn Văn Dĩnh bị địch bắt đã châm ngòi cho cuộc bãi khóa toàn thành.

Sau đó cao trào còn có các hoạt động công khai và nửa công khai là Lễ truy điệu Trần Văn Ơn, Đại hội Liên hoan văn nghệ toàn thành Tết Canh Dần và những hoạt động kháng chiến khác, gây tiếng vang lớn trong nước, tất cả đều do lực lượng Học sinh kháng chiến Chu Văn An làm chủ chốt. Từ đó đã góp phần làm nên ngày người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, Giải phóng Thủ đô năm 1954.

Xuất phát từ tinh thần đấu tranh sôi nổi của bao lớp thế hệ, có nhiều ý kiến cho rằng, trường THPT Chu Văn An không chỉ là nhân chứng mà còn là nhân tố đã góp vào những biến cố lịch sử của đất nước trong thế kỷ 20. Trong kháng chiến chống Pháp rất nhiều học sinh Chu Văn An đã gia nhập tự vệ và bộ đội Việt Minh. Nhiều người sau đó trở thành cán bộ cao cấp của chính quyền như Nguyễn Xiển, Phan Anh... Một số sau này trở thành tướng lĩnh như Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự...

Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, nhiều học sinh Chu Văn An đã cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhiều người đã trở thành liệt sĩ và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Chư (học sinh miền Nam, được truy tặng danh hiệu Anh hùng)…

Nhiều học sinh và cả giáo viên của trường đã tham gia chiến đấu trong các binh chủng không quân, phòng không chống lại các cuộc không kích của Không quân Hoa Kỳ, trong đó có những người được phong anh hùng như Nguyễn Tiến Sâm,Vũ Xuân Thiều.

Trải qua nhiều biến cố, dù là trường Bưởi ngày ấy hay THPT Chu Văn An của bây giờ, ngôi trường trăm tuổi này vẫn luôn khẳng định và giữ vững được vị trí của mình khi không ngừng đào tạo ra những lứa học sinh tài năng ưu tú.

Cùng với những thay đổi theo thời gian, trường Bưởi giờ mang thêm một dáng dấp năng động, trẻ trung được tạo nên từ những thế hệ học sinh trẻ tuổi đầy hoài bão. Trường THPT Chu Văn An đã lột xác nhưng vẫn giữ được cốt cách tinh thần của biết bao thế hệ, vẫn luôn là điểm sáng về những thành tích dạy và học xứng đáng với truyền thống: “Yêu nước - cách mạng - dạy tốt - học giỏi” của một ngôi trường cách mạng xuyên thế kỷ.

Trong suốt quá trình hơn 100 năm kể từ ngày thành lập và đặc biệt những năm học gần đây, trường THPT Chu Văn An luôn đạt kết quả cao trong giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh đỗ đại học và du học quốc tế luôn ở tốp đầu cả nước.

Hòa nhập xu thế hội nhập toàn cầu, từ tháng 10/2019, trường THPT Chu Văn An chính thức trở thành trường công lập đầu tiên được công nhận nằm trong hệ thống trường Cambridge - đánh dấu việc đưa chương trình giảng dạy quốc tế nổi tiếng vào thí điểm tại một số trường công lập chọn lọc.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này