Kinh tế Việt Nam: Những gam màu tươi sáng

15:45 | 23/01/2020
(LĐTĐ) 2019 là một trong những năm chúng ta thu được những thành tựu về kinh tế nổi bật nhất. Trên nền tảng đó, bước sang năm Canh Tý 2020, năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, tin tưởng nền kinh tế Việt Nam còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
kinh te viet nam nhung gam mau tuoi sang Kinh tế Việt Nam cần có mũi nhọn đột phá
kinh te viet nam nhung gam mau tuoi sang Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh
kinh te viet nam nhung gam mau tuoi sang Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Đánh giá nền kinh tế hiện tại và trung hạn

Điểm sáng kinh tế năm 2019

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, với ước GDP cả năm tăng 6,8-6,9%. Việt Nam thuộc tốp có mức GDP năm 2019 tăng trưởng cao dẫn đầu khu vực và thế giới. Đặc biệt, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018; Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành du lịch cũng tăng 2 bậc so với năm trước; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN; Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tăng 50 bậc, xếp thứ 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ...

kinh te viet nam nhung gam mau tuoi sang

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2019 số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tiếp tục được cải thiện. Đây là 2 chỉ số đo lường sức khỏe môi trường kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng chính đến nền kinh tế đã ghi nhận mức kỷ lục mới, với ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 34% về số vốn đăng ký và tăng 26,6% về vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.

Điều này cũng cho thấy “sức khỏe” tốt hơn của các DN mới ra nhập thị trường. Đồng thời, cả nước còn có 27,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay có gần 24 nghìn hợp tác xã kiểu mới với đa số hoạt động hiệu quả...

Với Thủ đô Hà Nội, năm 2019, Hà Nội xếp thứ ba (Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ tám) trong Top 10 của 131 thành phố năng động nhất thế giới trong Bảng xếp hạng Chỉ số tăng trưởng Thành phố (CMI) lần thứ sáu do Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu JLL thực hiện, dựa trên rất nhiều tiêu chí (GRDP của thành phố, tốc độ đô thị hóa, tình hình thiết lập trụ sở chính các tập đoàn, tình hình xây dựng bất động sản thương mại và giá thuê, giáo dục, sự cải tiến và môi trường...). Điều này chứng tỏ kinh tế Thủ đô đang phát triển vượt bậc.

Triển vọng kinh tế năm 2020

Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được trong năm 2019, về tổng thể, năm 2020 có nhiều kỳ vọng mới vào động lực tăng trưởng kinh tế tích cực hơn.

Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019, tương ứng 6,5% (theo WB) hoặc 6,7% (theo ADB).

Đồng thời, Việt Nam còn đang đối mặt với 4 thách thức về cải thiện cơ cấu xuất - nhập khẩu, giảm nhập khẩu quá nhiều từ thị trường Trung Quốc; kiểm soát lạm phát, với mức dự báo CPI lần lượt ở mức 2,7% và 3% trong năm 2019 và 2020; kiểm soát những rủi ro tài chính, nhất là nợ tiêu dùng tăng nhanh và thúc đẩy dịch chuyển dòng vốn vay chảy từ bất động sản sang những ngành công nghiệp, trong khi kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Theo ADB, 5 lĩnh vực Việt Nam cần tập trung trong chu kỳ phát triển kinh tế mới: Cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, không chỉ về mặt số lượng những công trình mà còn trong cả những yếu tố “mềm” hơn như các dịch vụ hậu cần và tính hiệu quả của những dịch vụ đó; phát triển nguồn lực con người, tăng cường giáo dục thực chất từ các cấp độ để đào tạo kỹ năng mà các thị trường yêu cầu, trong đó đặc biệt là kỹ năng về sử dụng công nghệ; tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế; tạo ra các động lực tăng trưởng kinh tế có khả năng kháng chịu với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng của Việt Nam cần phải đạt chuẩn quốc tế của Hiệp ước Basel II vào đầu năm 2020 và đẩy mạnh việc áp dụng những công cụ gián tiếp hơn thông qua cơ chế giá cả thị trường và các chính sách lãi suất về tổng thể, lãi suất của từng ngân hàng và liên ngân hàng đối với hoạt động kinh tế, để tạo điều kiện cho cơ chế giá cả thị trường hoạt động hiệu quả.

Với những gì đã phân tích, dự báo năm 2020: Dòng vốn ngoại được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ sự ổn định chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô, lợi thế giá nhân công rẻ; đồng thời, sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cùng cơ hội từ những FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết như CPTPP, EVFTA..., khiến Việt Nam được xem là một đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường bất động sản sẽ hình thành một chu kỳ đầu tư mới, với những điều chỉnh sâu về định hướng, quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn, với điểm nóng vẫn là phân khúc nhà ở xã hội và các căn hộ chung cư, mặt bằng kinh doanh giá hợp lý, ở vị trí thuận lợi, đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, “thuê -mua” và “mua - cho thuê” và được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao. Đặc biệt, có dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng - du lịch năm 2020 sẽ trầm lắng và tạo áp lực tăng nợ xấu ngân hàng.

Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Xuất khẩu dịch vụ (trước hết trong các dịch vụ chính phủ; dịch vụ du lịch; tài chính, vận tải và kinh doanh công nghệ cao khác, như: Dịch vụ viễn thông, máy tính và thông tin, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm và hưu trí, dịch vụ sở hữu trí tuệ…) phải được coi là mục tiêu và động lực mới của năm 2020.

Với đà phát triển tích cực và năng lực, kinh nghiệm đã tích lũy được, thực hiện trách nhiệm và đồng hành với xu hướng phát triển chung của cả nước, sự năng động và thành công của Thủ đô là một trong những nhân tố tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai của kinh tế Việt Nam.

TS.Nguyễn Minh Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này