Thừa phát lại: Tên mới nhưng không xa lạ

13:58 | 02/07/2014
LĐTĐ - Khoảng 3 năm trở lại đây cái tên Thừa phát lại (TPL) dần được xã hội nhắc đến, tuy nhiên chức năng chính của TPL là gì và nó thiết thực với cuộc sống người dân như thế nàothì không phải ai cũng rõ.

Liên quan đến thi hành án và đời sống thường ngày

Năm 2012, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã định nghĩa hết sức xúc tích về lĩnh vực nghề nghiệp mới này: “Nôm na, thừa phát lại là người chấp hành các quyết định của tòa án, trong đó có cả lệnh giữ trật tự tại phiên tòa”. Thực ra, ở nước ta trước năm 1950 và ở miền Nam trước năm 1975 không có cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước. Tuy vậy, các quyết định của tòa án về phần dân sự trong bản án hình sự cũng như các quyết định, các bản án về lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình vẫn được thực hiện.

Nghị định của Chính phủ quy định văn phòng TPL được quyền xác minh về điều kiện thi hành án để tổ chức thi hành cho đến khi đương sự tự nguyện thi hành. Nếu đương sự không tự nguyện, TPL có thể lên kế hoạch cưỡng chế. Nhưng họ phải báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án. Sau khi Cục trưởng thẩm định, xem xét và ra quyết định thì mới được cưỡng chế.

Không chỉ thực hiện các nhiệm vụ nói trên, TPL còn liên quan thiết thực đến đời sống thường ngày của người dân. Chẳng hạn, khi hàng xóm tiến hành xây dựng công trình khiến nhà bạn lún, nứt và bạn muốn có chứng cứ tốt nhất ghi nhận lại sự việc để sau này làm hồ sơ gửi tới các cấp chính quyền hoặc tòa án. Bạn có thể mời đại diện văn phòng TPL tới ghi nhận chứng cứ thông qua hình ảnh, vi bằng…và những ghi nhận này hoàn toàn có giá trị pháp lý. Một ví dụ khác, trong việc mua bán một tài sản có giá trị như ngôi nhà chẳng hạn, khi giao tiền cho nhau người mua muốn có người làm chứng để tránh những rủi ro về sau. Khi được mời, nhân viên TPL sẽ có trách nhiệm tạo lập chứng cứ cho việc mua bán với vai trò nhân chứng. Trả lời báo chí, Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng Phạm Anh Dũng cho biết: “Người dân muốn xác nhận tình trạng tài sản, nhà đất trước khi xây dựng, sau khi xây dựng; nhà đất trước, sau khi cho thuê; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản, con dấu, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng trái pháp luật; xác nhận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền của các tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp… thì đều có thể tìm đến với TPL” -.

Việc lập vi bằng, không những chỉ là lập trên văn bản, giấy tờ mà TPL còn thiết lập hồ sơ, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình nhằm phản ánh, ghi nhận các sự kiện, hành vi. Vi bằng được dùng làm chứng cứ trong hoạt động xét xử, hòa giải, thỏa thuận, giao dịch và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng cũng là chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các thỏa thuận, giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp.

Thu thập và bảo mật cứng cứ

Trong hoạt động thi hành án nhiều vụ việc khiến cơ quan thi hành án đau đầu nhất là việc xác minh tài sản của người bị thi hành án. Có những vụ việc kéo dài nhiều năm trời chỉ vì lý do không chứng minh được tài sản của người bị thi hành án. Giờ đây, khi gặp phải những trường hợp này, nhân viên TPL có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truy tìm, điều tra, xác minh tài sản của người phải thi hành án gồm:  Động sản (xe cộ, tàu thuyền…..); bất động sản, giấy tờ có giá trị (sổ tiết kiệm, cổ phiếu…), tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, vốn góp tại Công ty, lương, tài sản có được do thừa kế, hôn nhân, ly hôn, cho vay… làm căn cứ để TPL có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, tư vấn, thực hiện việc thu hồi tài sản trả lại cho người được thi hành án nhanh chóng, hiệu quả.

Tới đây cái tên Thừa phát lại sẽ không còn xa lạ trong mắt người dân. Ảnh minh họa.

Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của TPL tại các tổ chức tín dụng được Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 5/3/2014 thì Văn phòng TPL có quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tín dụng của cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hiện đang gửi ở tổ chức của mình. Việc yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện theo một trong hai hình thức TPL có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin; TPL trực tiếp xác minh tại tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, văn phòng TPL, người yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp và sử dụng đúng mục đích, kết quả xác minh theo quy định của pháp luật.

Thông tư liên tịch cũng quy định tổ chức tín dụng cũng có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau: Vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của TPL; trong cùng một vụ việc có cùng một nội dung yêu cầu tại cùng một thời điểm đã được chấp hành viên hoặc TPL khác thực hiện việc xác minh; khách hàng yêu cầu cung cấp thông tin không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại; thông tin yêu cầu cung cấp ngoài phạm vi các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này; hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin không đủ các tài liệu theo quy định. Trường hợp từ chối thì tổ chức tín dụng phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.Còn khái niệm tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật….Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có”.

(Nghị định 135/CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ)

Gia Bảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này