Hạnh phúc viên mãn của cặp “vợ chồng” già trong túp lều tranh

09:57 | 24/10/2014
LĐTĐ - Giữa đêm giông bão, gió giật mạnh, đoàn tàu Bắc – Nam chạy qua khiến chiếc đèn dầu trong tấm bạt rung lên bần bật rồi tắt ngấm. Trong bóng đêm, ông Phạm Ngọc Sơn (80 tuổi) cố dò dẫm tìm đôi bàn tay của vợ. Khi hai cánh tay khẳng khiu, nhăn nhúm vừa đan vào nhau thì cũng là lúc “nóc nhà” bị gió giật tung, mưa xối xả khiến cả hai ướt đẫm… Hai tấm thân già lạnh lẽo, ôm chặt lấy nhau run rẩy. Nhưng trái tim họ luôn ấm.

Tình yêu ở tuổi xế chiều

Hai người, một người chán cảnh vợ gian díu với người đàn ông khác, một người bị chồng ruồng rẫy phải bỏ xứ ra đi. Họ gặp nhau giữa Thủ đô tấp nập và đến với nhau bằng tình yêu bình dị.

Người ta vẫn bảo, tình yêu không kể tuổi tác. Điều này thật chính xác với “vợ chồng” ông Phạm Ngọc Sơn và bà Chu Thị Mận. Gần 20 năm trước, khi ông Sơn đã chạm ngưỡng lục tuần, bà Mận thì qua tuổi “tiền mãn kinh”. Nhưng khi gặp nhau, họ đã thấy rung động chẳng khác gì số phận đã an bài rằng họ là một cặp “trời sinh”. Chẳng cần đám cưới họ đến với nhau bằng 2 chữ tình người.

Cho đến bây giờ, gần 20 năm đã trôi qua, chẳng có ràng buộc bởi pháp lý, tiền bạc nhưng “cặp uyên ương già” này vẫn sống hạnh phúc trong “ngôi nhà” chưa đầy 3m2 gần đường sắt, cạnh ngã tư Nguyễn Thái Học – Điện Biên Phủ.

Căn lều nhỏ tạm bợ là “tổ ấm” suốt 17 năm qua của “vợ chồng” ông Sơn.

Hôm chúng tôi đến, trong “ngôi nhà” xiêu vẹo la liệt đồ dùng. Gặp khách lạ, ông Sơn vui vẻ mời vào “nhà”, còn bà Mận thì nhanh nhảu dọn dẹp mấy thứ đồ vương vãi kiếm cho chúng tôi một chỗ ngồi. Quả thực, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm động về một tình yêu bình dị, đẹp đến lạ lùng này.

Theo bà Thanh, một người bán nước tại khu vực này đã lâu cho biết: Ông Sơn, bà Mận rất người dân trong khu phố yêu mến. Tuy đã có tuổi, hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ quấn quýt, yêu thương nhau, khiến nhiều gia đình trẻ trong khu phố lấy đó làm gương...

Theo lời kể, ông Sơn từng có gia đình ở Nam Định, nhưng vì bất đồng với vợ, buồn chán khi bị “cắm sừng” nên đã bỏ lên Hà Nội làm nhân viên gác tàu ở đây từ những năm 1986. Còn bà Mận thì bị nhà chồng ruồng rẫy, bất đắc dĩ mà phiêu bạt đến chốn phồn hoa đô hội làm nghề mò cua, bắt tép.

“Gần 20 năm trước, khi tôi gác tàu ở đây, sáng sớm nào cũng thấy một người phụ nữ nhỏ bé đem cá qua bán. Không hiểu sao, ngay từ lần đầu trông thấy, trong tôi dâng lên một niềm cảm xúc khó tả, nó gần gũi và êm đẹp lắm. Cứ như thế, ngày nào tôi cũng chỉ mong mỏi được nhìn thấy bóng hình ấy. Và tôi biết, tôi đã yêu mất rồi”, đưa ánh mắt âu yếm nhìn “vợ”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, ngày đó dù rất yêu, nhưng ông chỉ âm thầm dõi theo, không dám lại gần trò chuyện. Ông quan tâm bà Mận cũng bằng cách riêng và giữ tình yêu một cách thầm kín. Ngày nào cũng vậy, ông đều mua ốc, mua cá cho bà. Tất cả cũng chỉ là để được gặp mặt, được nói chuyện, cũng như muốn giúp “người trong mộng” nhanh bán hết hàng để về nghỉ ngơi.

ông Phạm Ngọc Sơn

“Khi biết ông ấy lấy cớ mua hàng, gửi tiền hỗ trợ qua người khác để cho tôi, tôi thấy cảm động lắm. Tuy nhiên, qua một lần dang dở gia đình, tuổi thì cũng ngấp nghé gần 60, lại sợ con cháu hai bên ngăn cản nên tôi đành im lặng, cố tình lẩn tránh. Ấy vậy mà, ông Sơn vẫn kiên trì “theo đuổi”, lại còn đặt vấn đề “góp gạo thổi cơm chung”. Khi ông ấy “cầu hôn”, tôi xúc động và suy nghĩ nhiều lắm. Bởi tôi biết, để đến được với nhau, chúng tôi sẽ phải vượt qua nhiều chông gai, thử thách”, bà Mận ngồi cạnh chồng, giọng run run, kể.

Bến đỗ cuồi đời

Sau khi hai người quyết định đến với nhau, ông Sơn và bà Mận đã chọn gác chắn tàu trên đường Nguyễn Thái Học làm “tổ ấm” cuối đời. “Tổ ấm” ấy là chiếc lều được dựng tạm bằng tấm bạt vá chằng vá đụp không đủ để che mưa che nắng. Cuộc sống của hai “vợ chồng” chỉ dựa vào thu nhập từ việc tham gia đội trật tự phường Cửa Nam của ông và ít tiền lẻ từ việc bà đi nhặt ve chai có được.

Nhấp ngụm nước, ông Sơn tâm sự: “Vì cả hai đã từng tổn thương về chuyện gia đình. Do đó, hai chúng tôi đều ý thức được tình yêu nó quan trọng như thế nào. Do đó, vợ chồng tôi luôn dành những tình cảm trân trọng nhất cho nhau”.

Theo ông Sơn thì, ngày ông bà mới về sống chung với nhau, nhiều người cũng bàn tán, dị nghị lắm. Không những thế, nơi ông bà sinh sống được xem là “ổ tệ nạn”. Có khi đang chập chờn ngủ, lại có con nghiện đến dựng dậy xin đểu khiến vợ chồng ông sợ chết khiếp. Về sau, ông phải âm thầm thu thập thông tin, quy luật hoạt động của đám nghiện và con buôn ma túy để báo cho lực lượng chức năng biết truy quét. Dần dần “ổ tệ nạn” này đã được quét sạch hoàn toàn.

Trong túp lều của đôi “vợ chồng” già giữa Thủ đô hoa lệ, cuộc sống của họ đơn giản nhưng tràn ngập tình cảm. Bữa cơm của họ chỉ bát canh rau mồng tơi luộc, vài miếng đậu phụ rán thì tuyệt nhiên không có gì. Sống đạm bạc, là vậy, nhưng tấm lòng của ông bà với người cùng cảnh ngộ, ủng hộ người không may gặp nạn thì lại quá rộng rãi. Lần dở những trong chiếc hộp giấy cũ kỹ, phủ đầy bụi, ông Sơn đưa cho chúng tôi xem cả xấp giấy biên nhận của Hội chữ thập đỏ, chính quyền địa phương về việc ông quyên góp cho đồng bào lũ lụt, trẻ em lang thang cơ nhỡ…

“Dù cuộc sống khó khăn nhưng lòng thương người của ông ấy thì có thừa. Cũng chính vì lẽ đó mà tôi yêu ông ấy nhiều hơn. Chẳng hạn như nghe tin lũ lụt, trẻ em vùng cao chịu rét, hay những trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật, lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn là ông ấy lại vét hết những đồng bạc cuối cùng đem quyên góp. Không những thế, ông còn đi xin, thu gom quần áo cũ, sách vở, bút về để gửi tới những địa phương đang chịu cảnh thiên tai”, chỉ tay về phía mấy chiếc hộp cát tông đựng đầy quần áo cũ đã được giặt sạch, gấp phẳng phiu nơi góc “nhà”, bà Mận tâm sự.

Ngồi cạnh bà Mận, ông Sơn nhìn âu yếm, tiếp lời: “Giờ vợ chồng tôi già rồi, sống cũng chẳng được bao nhiêu nên muốn sống có ý nghĩa và được yêu thương thật lòng. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã run rủi cho tôi được gặp bà ấy để chúng tôi có thể lấp đầy đau thương trong quá khứ. Tuy là hai mảnh ghép vụn vỡ, nhưng chắp ghép với nhau thì lại nguyên vẹn, tròn trịa. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng như vậy với vợ chồng tôi đó là sự viên mãn”.

Tuấn Nam
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này