Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Ai là danh nhân để cấm?!

13:23 | 29/10/2014
Một lãnh đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng không thể cắt nghĩa được từ danh nhân. Vậy mà chính Bộ này đang khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân phải đau đầu khi đọc thông tư “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục”. Nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái thì ngày 25/11 tới thông tư trên chính thức được ban hành.

Một thông tư với nhiều điều cấm

Trước đó, Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (DN) phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có hiệu lực từ 25/11/2014. Theo thông tư này, đặt tên DN trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc, trừ trường hợp người thành lập DN khi đặt tên DN theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập DN. Trường hợp đặt tên riêng DN bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

Thông tư cũng quy định một số trường hợp khác đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc gồm: Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

Liệu những cái tên mang tính địa phương như này có phạm vào thông tư của Bộ VHTT-DL?

Điều 3 của thông tư hướng dẫn: Vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đối với việc đặt tên doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện ngôn ngữ không đúng đắn, cảm xúc giới tính, quan hệ tình dục, khiêu dâm; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện sự phân biệt, kỳ thị phong tục tập quán, chia rẽ vùng miền, chia rẽ dân tộc…

Đồng tình với quan điểm của Bộ VHTT&DL, không ít ý kiến phân tích việc đặt tên doanh nghiệp hiện nay chưa phản ánh được đặc thù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy việc quy định là cần thiết. Có doanh nghiệp chuyên sản xuất mây tre đan nhưng vẫn lấy tên công ty mình là Trần Hưng Đạo.

Chưa “sinh con đã sinh cha”

Thế nhưng, số đông ý kiến vẫn là những tâm tư, băn khoăn, thậm chí là phản đối thông tư vì nó không rõ nghĩa, rất chung chung. Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng phân tích: “Việc không được đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân quy định trong Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL là quy định không mới bởi trong Nghị định 43/2010/NĐ-CP đã quy định tại khoản 3 điều 14. Tuy nhiên, cách giải thích về việc đặt tên danh nhân trong Thông tư 10 lại không hợp lý, thậm chí giải thích trái với Nghị định 43. Thế nhưng, điều khiến các học giả, nhà nghiên cứu lịch sử, doanh nhân đặt câu hỏi nhiều nhất vẫn xoay quanh khái niệm thế nào là danh nhân?.

Băn khoăn này không phải không có cơ sở, bởi khi trả lời báo chí, chính bà Ninh Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL cũng  tâm sự rất thật rằng ai là danh nhân và thế nào thì được gọi là danh nhân không phải là phạm trù điều chỉnh của thông tư và cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL. Như vậy đã rõ, bởi mặc dù là cơ quan ban hành thông tư nhưng chính Bộ VHTT&DL lại không cắt nghĩa được định nghĩa danh nhân, hay nói cách khác thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL chỉ mang tính chất chứng minh rằng lĩnh vực đặt tên danh nhân đang do mình quản lý. Còn vì sao lại được gọi là danh nhân lại là việc của cơ quan khác.

Vẫn còn nhiều khái niệm mơ hồ

Không phải bây giờ, vào thời điểm tháng 7/2014 ngay từ khi thông tư còn là dự thảo thì những sự cấm trên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, thông tư cũng không nói rõ là chỉ áp dụng với tên danh nhân người Việt hay cả danh nhân người nước ngoài. Lẽ ra Bộ này phải rút được nhiều kinh nghiệm từ những ý kiến đóng góp rất thật, rất tâm huyết của dư luận, nhưng buồn thay, hàng loạt bất cập vẫn được áp dụng vào thông tư.

Chẳng hạn, điều 3 thông tư cho rằng: Vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đối với việc đặt tên doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện ngôn ngữ không đúng đắn, cảm xúc giới tính, quan hệ tình dục, sự khiêu dâm. Liệu một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng bao cao su sẽ lấy tên gì đây. Lấy đúng như tên gọi sản phẩm thì lại gợi sự quan hệ tình dục, nếu lấy tên mang ẩn ý sản phẩm lại phạm điều phạm về cảm xúc giới tính.

Rồi phần 6 của Điều 3 cấm: “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện sự phân biệt, kỳ thị phong tục tập quán, chia rẽ vùng miền, chia rẽ dân tộc”. Chúng ta có nhiều nhà ga mang tên địa phương như Hà Nội, Đồng Hới…chẳng nhẽ để làm đúng thông tư các ga này sẽ phải đổi tên thành Niềm tin hay Hạnh phúc?.

Trở lại việc cấm đặt tên DN là danh nhân, để thực hiện theo đúng thông tư này, Bộ VHTT&DL sẽ phải ban hành chính thức danh sách danh nhân Việt Nam từ cổ chí kim, và cả những nhân vật phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, giặc ngoại xâm và những kẻ có tội với đất nước, dân tộc. Nhưng phải nói thật là rất khó vì như đã nói đến giờ chính bộ này còn đang lúng túng chưa đưa ra một định nghĩa chính xác về khái niệm danh nhân và nó còn xa vời hơn khi thẩm quyền định nghĩa khái niệm lại không thuộc phần việc của bộ.

Nếu nói thông tư ban hành cho có danh nghĩa và rất khó áp dụng vào đời sống cũng chẳng sai bởi nó không nói rõ chế tài phạt, mức phạt bao nhiêu. Điều 4 của thông tư đề cấp trách nhiệm của các bên liên quan chỉ ghi chung chung: “Thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch; Thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư và tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Chính vì một thông tư muốn hiểu sao thì hiểu, muốn lỏng hay chặt tùy vào nhận thức và quan điểm của từng địa phương nên nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng đây sẽ lại là mảnh đất  cho các sở, ngành địa phương nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp.

Phát biểu với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL Ninh Thị Thu Hương: Đến giờ phút này, ai là danh nhân cũng chưa được xác định nên thông tư này không thể áp dụng khi chưa xác định được đối tượng nào là danh nhân. Vì thế doanh nghiệp vẫn hoạt động, có ai cấm được doanh nghiệp việc đặt tên là gì đâu. Nghị định 43 chỉ yêu cầu phân cấp thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL là ban hành thông tư như đã có, còn việc xác định danh nhân không thuộc thẩm quyền và đang mắc mớ ở nhiều vấn đề. Bản thân tôi cũng không trả lời được vì sao không khả thi việc xác định ai là danh nhân.

Gia Bảo

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này