Kỳ 1: Nhọc nhằn phu rác mùa đông

09:33 | 23/12/2019
(LĐTĐ) Những đêm đông lạnh giá, những chiếc xe rác nặng, tiếng chổi tre vẫn cần mẫn ngày đêm không nghỉ. Có lẽ khi sinh ra chẳng ai chọn cho mình nghề phu quét rác, nhưng nghề chọn họ để rồi gắn bó, dù những nhọc nhằn vẫn theo chân họ đi khắp những hang cùng ngõ hẻm.  
ky 1 nhoc nhan phu rac mua dong Cảm động tấm lòng thanh niên tình nguyện với chị lao công
ky 1 nhoc nhan phu rac mua dong Đêm cuối năm, nghe “tiếng chổi tre”

Vào những ngày đông giá rét và những cơn mưa phùn nhớp nháp, khắp con đường Hà Nội vẫn không ít người làm nghề dọn rác. Trời càng lạnh, càng mưa thì công việc của họ lại càng nhọc nhằn hơn.

Chị Trâm làm nghề thu gom rác ở khu vực phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được 8 năm. Trước đây, chị bán hàng ăn để kiếm kế sinh nhai nhưng chỗ bán hàng cũng bị giải tán nên chị chuyển sang làm nhân viên vệ sinh môi trường. Dù công việc vất vả nhưng chị cũng không còn lựa chọn nào khác.

Công việc của chị làm việc theo ca từ 4h30 khi trời còn tối đen cho đến 12h. Chị phải gom rác dọc tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến Khương Đình trong một buổi sáng. Công việc vất vả, cực nhọc là vậy nhưng thu nhập mỗi ngày chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng, lương cứng được hơn 4.000.000 đồng/tháng, trong đó có cả tiền độc hại do nghề nghiệp mang lại. Thời gian còn lại chị không nghỉ ngơi mà đi bán nước để kiếm thêm tiền nuôi con. Vào những ngày nghỉ lễ hay ngày tết, con chị cũng cùng chị đi gom rác.

“Gom rác vào mùa mưa và mùa đông là sợ nhất, bởi vừa gom xong đường đã nhớp nháp bùn đất. Đấy là chưa kể nhiều người vô ý thức vứt rác ra đường, rác bẩn lẫn trong nước có khi phải dùng tay nhặt bởi không thể dùng chổi quét lên được”, chị Trâm cho biết.

ky 1 nhoc nhan phu rac mua dong
Chị Phạm Thị Bảy đã có 15 năm làm nghề vệ sinh môi trường. (Ảnh: B.T)

Đẩy những chiếc xe cao ngất ngưởng nặng tới 3, 4 tạ đến điểm tập kết, chị Phạm Thị Bảy (sinh năm 1965, công nhân Hợp tác xã Thành Công) cho hay, chị đã làm công nhân vệ sinh được 15 năm. Cũng chừng ấy năm chị thuê nhà ở Hà Nội để sinh sống. Tổng lương tháng của chị được vỏn vẹn hơn 4.000.000 đồng, vậy mà chị đã nuôi cả hai con đi học đại học. Chị làm ca từ 3h30 đến 14h mới về đến nhà. Hôm nào làm ca chiều thì đi từ 16h đến 2h hôm sau, công việc vô cùng vất vả.

Ngày trước khi còn đủ sức khỏe, sáng chị vẫn đi lau nhà thuê, đêm đi quét rác, từ ngày chị đau lưng quá nên thôi đi lau nhà thuê. Trong lúc gom rác, có những đồ lượm lặt được như đồ sắt vụn, đồ cũ hỏng chị mang về bán đồng nát kiếm thêm chút đỉnh. Để làm được việc này, chị Bảy phải chịu khó, chịu khổ bới rác thì mới kiếm được.

Chị Bảy chia sẻ, làm nghề này, mùa nào cũng vất vả. Mùa hè đi làm nắng nôi, mồ hôi ướt đẫm, chỉ được mát một chút vào buổi tối. Mùa đông đêm hôm lạnh giá, vắng vẻ, mưa phùn, vậy mà vẫn cót két đẩy xe đi trong cái vắng, cái sợ… rồi cũng quen. Làm suốt 15 năm qua, cho đến bây giờ chị Bảy đã bị đau xương, đêm ngủ hai tay tê buốt do hàng ngày phải đẩy hàng chục chuyến xe rác đi hàng ki lô mét đến điểm tập kết.

Bà Nguyễn Thị Lập – nhân viên dọn vệ sinh tại phố Cầu Cốc (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tuy tuổi đã 64 tuổi nhưng vẫn quyết định làm nghề gom rác. Bà Lập mới làm được 3 năm, công việc khá nặng nhọc và vất vả so với tuổi của bà. Đi làm cả 30 ngày trong tháng, lương của bà được nhỉnh hơn 5 triệu đồng một tháng.

Bà Lập thường ra khỏi nhà lúc 16h30 để bắt đầu công việc thu gom rác của các nhà dân, nếu không thu gom được hết đoạn đường quy định thì sáng sớm hôm sau lại bắt đầu đi thu gom tiếp. Ngày nào bà cũng đi như vậy đến 22h mới về đến nhà, lúc đó mới ăn cơm, tắm gội, để rồi lại bắt đầu công việc ngày mới từ 4h30 sáng sau đó, tập kết rác tại một địa điểm rồi chờ xe cẩu rác chở rác đi.

“Trước kia có chồng tôi đi hỗ trợ thì đỡ vất vả, chỉ cần đi buổi chiều tối này, hai người là thu gom hết rác. Nhưng nay do ông ấy ốm quá nên không phụ được, giờ một thân một mình đi cả tối và sáng. Mùa đông ai cũng ngại ra đường, lao công cũng chẳng ngoại lệ, nhất là vào những lúc nhiệt độ hạ thấp nhất trong ngày như tối và sáng. Nhưng nghề mà, làm sao cứ chọn giờ tốt, giờ đẹp mà đi làm được”, bà Lập tâm sự.

Bảo Thoa

(Kỳ 2: Vẫn phải bám nghề)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này