Hà Nội tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa

17:20 | 20/12/2019
(LĐTĐ) Sáng 20/12, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực truyến với chủ đề “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp”. Tại tọa đàm các khách mời tham dự đã trả lời những câu hỏi của bạn đọc xoay quanh vấn đề thực trạng và giải pháp để hạn chế rác thải nhựa ở Thủ đô hiện nay.  
ha noi tang cuong cac bien phap giam thieu chat thai nhua Doanh nghiệp cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa
ha noi tang cuong cac bien phap giam thieu chat thai nhua Bệnh viện Nhi Trung ương cam kết giảm thiểu chất thải nhựa
ha noi tang cuong cac bien phap giam thieu chat thai nhua Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế: Góp phần bảo vệ cuộc sống xanh

Hà Nội phát sinh hơn 7.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: “Công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon trong những năm gần đây luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và Hà Nội đặc biệt quan tâm.

ha noi tang cuong cac bien phap giam thieu chat thai nhua

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Trong năm học mới, một học sinh lớp 6 trường Marie Curie đã gửi thư tới lãnh đạo với mong muốn không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng, để thấy ý thức về bảo vệ môi trường, chống lại rác thải nhựa và túi nilon đã được cộng đồng quan tâm.

Bằng việc tổ chức cuộc tọa đàm, chúng tôi mong muốn nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, các sở ban ngành để có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của người dân Thủ đô, đặc biệt góp phần vào việc hạn chế rác thải nhựa mà Thành phố sẽ triển khai trong năm 2020”.

Tại buổi tọa đàm, đánh giá về tình hình rác thải nhựa hiện nay tại Thành phố, bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40kg nhựa/năm và là một trong 4 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất.

Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

ha noi tang cuong cac bien phap giam thieu chat thai nhua
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, chia sẻ về công tác thu gom rác thải được Thành phố triển khai trong thời gian qua cụ thể là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) – doanh nghiệp chủ chốt chịu trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn, đại diện Công ty URENCO cho hay hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt trong ngày. Công ty được giao quản lý, xử lý rác tại bãi Xuân Sơn và Nam Sơn. Qua các số liệu, khối lượng rác đổ về bãi ngày càng tăng.

“Từ năm 2000 tới nay, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ nhựa trong rác thải sinh hoạt tăng, từ dưới 10% lên 16,5%/năm. Bên cạnh đó, còn có sự đa dạng về các chủng loại.

Mỗi ngày có khoảng 350 người dân nhặt rác trên bãi Nam Sơn. Đây là hoạt động tự phát, có thời điểm cao điểm xấp xỉ 800 người. Những người này họ phân loại và tái chế hoàn toàn do thị trường yêu cầu, như chai lọ, nhựa sinh hoạt…”, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty - Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho hay.

Ông Đức cho biết thêm, trước thực trạng trên, công ty đã quản lý bằng cách đặt ra các quy định, như quy định giờ vào bãi (3 - 6 giờ sáng); hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ cho họ (ủng, găng tay...), nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình họ ở trên bãi. Công ty hi vọng sẽ có giải pháp để chấm dứt triệt để tình trạng người dân nhặt rác trên bãi.

Hiện Công ty đã đầu tư 2 dây chuyền để tái chế, công suất 30 tấn/1 ngày, dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty đã hợp tác với 1 tập đoàn của Nhật Bản để tái chế rác thành viên chất đốt, đưa ra tiêu thị trên thị trường.

Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Bàn về các giải pháp để kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế túi nilon, tại tọa đàm GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa.

ha noi tang cuong cac bien phap giam thieu chat thai nhua
Tiểu thương ở các chợ truyền thống đã ý thức hạn chế túi nilon

Hiện nay, túi nilon dùng một lần hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước. Từ tháng 1/2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng).

“Về giải pháp, tôi thấy chúng ta không thể đánh đổi kinh tế với chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các giải pháp đã được các diễn giả trình bày về chính sách, giáo dục nhưng tôi muốn đề cập thiên về giải pháp mang tính tổng hợp kỹ thuật. Ví dụ như giải pháp 3R, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, và 5R như từ không dùng, đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và cuối cùng và hủy bỏ có kỹ thuật và an toàn”, GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Theo GS. TS Đặng Kim Chi những giải pháp kỹ thuật công nghệ này là không khó và hoàn toàn có thể áp dụng được. Chúng ta cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu để đưa ra sản phẩm thay thế nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc khắc phục nhược điểm khó phân hủy của nhựa.

Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào các biện pháp, coi rác thải nhựa như nguyên liệu mới, như nguồn nhiệt cấp năng lượng cho nhà máy phát nhiệt, xi măng, và giảm tiêu thu nguyên liệu thông thường. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, để tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thủ đô trong việc thay đổi thói quen trong sinh hoạt hạn chế sử dụng túi nilon các sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần; giới thiệu mô hình thu gom, tái chế thực tế trong nước và quốc tế về giảm thiểu chất thải nhựa để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng…

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này