Kiến ba khoang tái xuất hiện ở Hà Nội

10:17 | 04/11/2014
Thời gian này, mỗi ngày phòng khám Da liễu Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận 10 -20 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Tình trạng này cũng xảy ra tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu Hà Nội.

Không được coi thường bệnh viêm da

Đến bệnh viện trong tình trạng cả hai mẹ con bị sưng phồng khắp mặt, những mụn nước cứ mọng lên, chực vỡ ra bất cứ lúc nào, chị Thoa (Kim Mã Thượng, Ba Đình) rầu rĩ kể lại: Nhà tầng 7 chung cư nằm ở trung tâm thành phố cứ ngỡ kiến ba khoang không thể tấn công, ấy vậy mà từ năm ngoái đến nay, cứ đến mùa này là cả nhà bị. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, thấy con trai lên 5 tuổi khó chịu, vội kiểm tra thì đã thấy khắp cổ tấy đỏ, có chỗ phồng rộp. “ Năm nay cứ tối đến là nhà tôi đóng cửa. Thế mà không hiểu kiến ở đâu vẫn cứ bay vào. Sợ nhất là không chỉ mỗi con bị, ngay cả tôi sau khi phát hiện con bị sờ lên mặt mình cũng thấy cả một đường ngoằn ngèo như giun bò trên mặt” – chị Thoa nói. Chị Thoa cũng cho biết thêm, khắp chung cư nhà chị gần như tầng nào cũng có người bị kiến ba khoang tấn công.

Ths.Bs. Phạm Thị Mai Hương, khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay. Tổn thương cơ bản có dạng đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện mặc dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ tiếp tục quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp (kissing lesion). Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, nếu thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch.

Vết thương do kiến ba khoang tấn công

Điều đáng lưu ý là viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh Zona. Vì thế nhiều người đã tự động mua thuốc điều trị, tuy nhiên việc làm này khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn. Trường hợp chồng chị Thu Linh (Trung Liệt, Hà Nội) là một ví dụ. Bị kiến đốt cách đây 10 ngày, nhưng cứ nghĩ bệnh đơn giản nên tự mua thuốc bôi. Ba ngày sau, vết thương của chồng chị chuyển từ phồng sang loét, chảy mủ. Lúc này chị mới cùng chồng vào Bệnh viện Da liễu Hà Nội khám. Gần một tuần sau chồng chị Linh mới khỏi song vết thương vẫn để lại sẹo.

Cách nào ngừa?

Theo TS . Phạm Thị Khoa,Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng   thì hiện đang là “mùa” kiến ba khoang. Đây là một loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn ban đêm và thường đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Minh Quang, PGĐ Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, khi bắt đầu có những biểu hiện viêm da do kiến ba khoang đốt, biểu hiện của bệnh là nổi đỏ lấm tấm, cách  tốt nhất dùng nước muối sinh lý rửa ngày 3 - 4 lần để trung hòa chất độc của côn trùng. Sau đó, bôi các thuốc làm dịu da như hồ nước, hồ Tetra – pred. Khi tổn thương khô thì bôi kem kháng sinh hoặc kem kháng sinh kết hợp chống viêm corticoid… TS Quang cũng lưu ý, sau khi sử dụng các loại thuốc trên mà các tổn thương không có dấu hiệu thuyên giảm, tổn thương càng lan rộng thì cần phải đến bệnh viện ngay tránh trường hợp nhiễm trùng toàn thân. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc giữ cho vết tổn thương da rất khó bởi trẻ có thể không chịu được ngứa mà gãi gây ra hậu quả là vùng tổn thương lan rộng, khó điều trị. Khi có dấu hiệu trên, tốt nhất nên đưa con tới viện để bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cách xử lý. Nhưng việc quan trọng đầu tiên là rửa ngay vết đốt dưới vòi nước chảy để loại bỏ bớt nọc độc của côn trùng.

Các chuyên gia côn trùng khuyến cáo, nếu thấy kiến bò trên da người thì không nên đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng. Cần thổi nhẹ để kiến bay xuống đất, sau đó dùng giấy ăn khô để giết kiến. Bàn tay lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt để tránh độc tố dính vào. Đề phòng côn trùng bay vào nhà (hạn chế mở cửa, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng..). Ngoài ra, nên thắp bỏng đèn bên ngoài hành lang để dụ kiến không vào nhà, tắt các thiết bị đèn điện trong nhà khi không cần thiết và phun thuốc diệt côn trùng theo chỉ định, hướng dẫn của chuyên gia. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Không dùng tay trần để bắt, giết, kiến ba khoang.

H. Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này