Hỗn loạn thị trường sách văn học

11:40 | 12/12/2019
(LĐTĐ) Chưa bao giờ thị trường sách lại phong phú đến mức “hỗn loạn” như hiện nay. Chính vì quá dư thừa nên sự lựa chọn của độc giả rơi vào tình cảnh “người giầu cũng khóc”. Nhiều người phải thừa nhận, sách hay và sách bán chạy là hai việc hoàn toàn khác nhau, cơ chế thị trường đã chi phối giá trị của tác phẩm khi đến tay độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ.
hon loan thi truong sach van hoc "Người thương đã cũ", cuốn sách văn học cho tháng Tám mùa Thu
hon loan thi truong sach van hoc Những tựa sách văn học nước ngoài thú vị đến với độc giả Việt

Hiện nay, người đọc đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn chứ không phải là dễ dàng khi sách chất đầy giá, từ cửa hàng sách quốc doanh cho đến cửa hàng sách tư nhân. Mặc dù hơn một năm trở lại đây, thành phố Hà Nội đã dành hẳn một khu phố gọi là “Phố Sách”, nhưng chỉ cần ra Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Tràng Tiền… là người đọc có thể bị “lạc” vào một thế giới sách với đủ thể loại.

hon loan thi truong sach van hoc
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Sách văn học dịch hiện nay đang lấn át sách văn học cổ điển Việt Nam, thậm chí lấn át cả sách văn học hiện đại. Sách văn học giải trí cũng ngồn ngộn ở các hiệu sách với các thể loại “bán chạy” như ngôn tình, đam mỹ, thám hiểm, xuyên không… “đè bẹp” các loại sách văn học có giá trị thẩm mỹ đúng đắn.

Chị Hồng, chủ một cửa hàng sách ở phố Đinh Lễ cho biết, đối tượng đọc sách đông nhất đến cửa hàng hiện nay là học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, phổ thông, sinh viên. Điều khiến chị Hồng cũng khá ngạc nhiên là những năm gần đây, học sinh trung học cơ sở đọc nhiều sách hơn trước. Có rất nhiều học sinh lớp sáu, lớp bảy đã đến mua sách ngôn tình, đam mỹ về “nghiền”.

Hiện nay những loại sách dành cho lứa tuổi này thực chất là rất hiếm, chủ yếu là những sách có tranh minh họa hoặc một số loại sách dịch của Nhật Bản mang nội dung hướng thiện, tư vấn. Tuy nhiên, học sinh lại không mua sách đó nhiều, chủ yếu chuyển qua đọc sách ngôn tình, đam mỹ, xuyên không, trinh thám…

Chị Nguyễn Thị Chinh, một phụ huynh có con học cấp hai rất lo lắng khi các cuốn sách không gắn mác “mười ba cộng” hay “mười tám cộng”, bởi con chị mới học lớp bảy nhưng đã không thể phân biệt được sách nào nên đọc, sách nào không nên. “Chúng đọc theo trào lưu, đặc biệt là những bộ sách đã chuyển thể thành phim truyền hình của văn học mạng Trung Quốc đang sốt hiện nay như Khánh Dư Niên, Ma đạo tổ sư, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên…

Theo tôi nên có một cơ quan quản lý để kiểm duyệt và gắn mác cho những cuốn sách, nếu không phụ huynh cũng không thể kiểm soát được việc đọc của con, nhất là khi chúng truyền tay nhau trên lớp học mà bố mẹ không biết”, chị Chinh cho biết.

Nhà sách kinh doanh thì bán sách theo thị hiếu người đọc, bán được càng nhiều càng tốt, miễn không bị “cấm”. Bởi họ chỉ là những người kinh doanh, họ không có chức năng định hướng cho độc giả. Còn người mua thì thấy sách nào có đủ tố chất giải trí thì mua, bởi ngày nay sách không còn là phương tiện duy nhất truyền tải được kiến thức như ngày xưa, yếu tố giải trí đã được đặt lên hàng đầu. Không thể trách người bán hay người mua, bởi “cung cầu” là quy luật tất yếu của thị trường.

Nhà văn Bùi Việt Thắng phân tích rằng, trước hết lớp trẻ là sinh viên đại học và cao đẳng – lực lượng nòng cốt của việc đọc sách nhưng tình hình hiện nay cũng không mấy khả quan. “Họ chỉ chăm chăm đọc những sách phục vụ cho việc học và thi của mấy chục môn học trong suốt bốn năm trời trên ghế nhà trường với cả trăm tín chỉ đè nặng trĩu trên vai.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện, đây cũng là một trong những nỗ lực của nhà nước để định hướng văn hóa đọc của mọi người dân. Luật Thư viện được Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 21/11/2019 với mục đích góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân...Trong Luật Thư viện cũng đã quy định rõ về hoạt động thư viện gắn với phát triển văn hóa đọc như lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam”. Đáng chú ý, tại buổi thảo luận dự án Luật Thư viện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định:“Dù cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì thư viện vẫn phải tồn tại. Đó là nơi đọc sách, tra cứu thông tin, nơi nghiên cứu tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu và nâng cao tri thức... Do đó, nhu cầu văn hóa đọc cần phải tiếp tục, phải có trách nhiệm để làm sao cho người dân Việt Nam nâng cao văn hóa đọc của mình”!

Có thời gian rỗi thì họ chơi “phây” để giải trí, để tương tác, hoặc lướt mạng để xem những gì mình thích, mà sở thích của họ thì vô cùng vô tận. Nếu có dính dáng chút văn chương thì đọc ngôn tình, đam mỹ. Lớp trẻ là người lao động tự do thì xem truyền hình, đọc báo là chủ yếu. Lớp trẻ là viên chức nhà nước thì bị áp lực công việc nên họ hay xả hơi, thư giãn bằng các loại hình văn hóa nghe nhìn. Nhiều người tâm huyết thực sự rất lo lắng khi sách văn chương đang có nguy cơ trở thành một “xa xỉ phẩm””, nhà văn trăn trở.

Ông cũng cho rằng, trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn hóa đọc xuống cấp ở ta hiện nay có lỗi của ngành giáo dục: Nạn học hành, thi cử nặng nề đã cướp mất tuổi thơ của thiếu niên, nạn nhồi nhét kiến thức vào óc học trò quá nhiều khiến các em không có thời gian đọc sách, nhất là sách văn chương.

Cho đến nay, nhà nước đã có nhiều định hướng liên quan đến văn học nghệ thuật, trong đó có văn hóa đọc. Nhưng có lẽ, định hướng văn hóa đọc là vấn đề nan giải nhất, khó khăn nhất khi thực hiện vì sáng tạo và thưởng thức văn học là một phạm trù mang tính cá nhân cao độ.

Không thể phủ nhận một thực trạng rằng hiện nay hiện tượng mất phương hướng về lý tưởng sống, rối loạn lý tưởng thẩm mỹ đối với một bộ phận thanh niên nói riêng, cộng đồng nói chung là có thật. Bởi vậy, một định hướng đúng phải là kết quả của một sự vận động tổng thể của nhiều phương diện như cá nhân và xã hội, gia đình và xã hội, nhà trường và gia đình, nhà trường và xã hội, quá khứ và hiện tại… mà nền kinh tế thị trường như một “tay ga”, còn văn hóa như một “tay phanh” của cỗ xe động cơ đó. Lớp trẻ đang cần một “biểu tượng văn hóa” qua những trang sách, cần được “phanh” lại và đi đúng hướng, dù cho cơ chế thị trường vẫn tiếp tục “nhấn ga”.

Văn hào Nga M. Gorky nói “Quần chúng thưởng thức nghệ thuật cũng cần được giáo dục”. Rõ ràng là công chúng nghệ thuật hiện nay, trong đó có độc giả, đang rất tự phát trong tiếp nhận văn học. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy một lúc nào đó sách văn học sẽ “nằm ngủ” trên giá, mình phủ đầy bụi, cộng với đó là chiều hướng thả nổi việc in ấn, xuất bản cũng như việc đọc cũng là một thực tế đáng báo động.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này