Bồi đắp thêm văn hóa truyền thống

10:18 | 10/12/2019
(LĐTĐ) Xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) là xã miền núi có các dân tộc Mường, Kinh sinh sống lâu đời với những phong tục, tập quán tạo nên nét văn hóa đặc trưng của xứ Đoài. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng gấp gáp, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, bằng nhiều cách khác nhau, phụ nữ xã Ba Trại đã tích cực bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa gia đình các dân tộc thiểu số, bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực.

Phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc Mường

Là địa phương miền núi của Thủ đô Hà Nội, sự khác biệt của yếu tố địa hình đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì nói chung và xã Ba Trại nói riêng. Ngày nay khi đến với Ba Trại, không khó để cảm nhận một không gian văn hóa đồ sộ.

boi dap them van hoa truyen thong
Hội viên Hội phụ nữ xã Ba Trại tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ phát huy giá trị truyền thống của dân tộc thiểu số.

Đâu đó khắp các bản, làng, thôn xóm vẫn còn hình ảnh chị em phụ nữ say sưa với tiếng Cồng, tiếng Chiêng, với những điệu múa nghệ thuật dân gian như: Múa Còn, múa Sinh tiền, múa nhịp đi làm nương rẫy,… Những hoạt động văn hóa này không chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ hội, Tết cổ truyền mà còn được thể hiện trong các dịp sinh hoạt văn hóa tập thể.

Theo bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ba Trại, nhiều năm trước đây, một vài nét văn hóa đặc trưng của người Mường tại địa phương có nguy cơ bị cuốn theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại. Để có những chuyển biến tích cực trên là do những năm vừa qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trại đã tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động tuyên truyền giữ gìn truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Thủ đô văn minh theo Đề án “Bảo tồn bản có văn hóa dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 – 2020 và cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội giai đoạn 2018- 2021.

Trong đó không thể không kể đến văn hóa Cồng Chiêng đang ngày càng lan tỏa trong đời sống cộng đồng dân cư. Là nét đặc trưng riêng mang lại giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mường, hiện nay xã Ba Trại duy trì 5 bộ Cồng Chiêng lưu giữ ở các thôn. Nhằm đảm bảo phát huy truyền thống, trong vòng 3 năm, xã đã có 3 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, Cồng Chiêng được thành lập với sự tham gia của gần 60 thành viên, trong đó phần lớn là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trại.

Hàng năm các thành viên trong câu lạc bộ đều tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, các bậc nghệ nhân tích cực truyền dạy lại những tiết tấu, âm hưởng của tiếng Chiêng bắt nhịp theo nhịp đối của Chiêng, khơi lại lời hát ví, hát đối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Mường.

Tự hào là một trong những thành viên gắn bó câu lạc bộ Cồng Chiêng từ ngày mới thành lập, chị Đinh Thị Nhung (Thôn 5) hồ hởi: “Cồng Chiêng là nét văn hóa đặc trưng gắn bó với chúng tôi ngay từ khi còn nhỏ. Biểu diễn Cồng Chiêng hát tiếng Mường hiện nay chủ yếu là phụ nữ do đó chúng tôi nhận thức được bản thân mình phải thừa kế giá trị văn hóa lớp người đi trước truyền dạy lại cho con cháu. Khi tham gia câu lạc bộ chúng tôi có cơ hội đóng góp phát huy truyền thống của đồng bào mình”.

Không dừng lại ở lưu giữ văn nghệ dân gian, phụ nữ Mường tại Ba Trại còn đang tự làm giàu bản sắc của đồng bào thông qua việc luôn duy trì sử dụng ngôn ngữ, mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội, lễ cưới nhằm bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong việc cưới, việc tang,… đồng bào đã nhận thức và thay đổi rõ rệt trong đời sống hàng ngày như: Bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, không có tục thách cưới như ngày xưa, thực hiện tang văn minh.

Từ nhận thức đó đã góp phần giáo dục và xây dựng nét đẹp văn hóa chung trong bản, làng, khu dân cư cùng nhau phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa hàng năm. Bên cạnh việc bảo tồn, các thành viên trong câu lạc bộ còn phát huy tinh thần hỗ trợ nhau phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Các câu lạc bộ còn thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản

Chia sẻ về vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc xã Ba Trại, bà Bạch Tố Uyên cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trại luôn xác định rõ trách nhiệm của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tư tin -Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2019.

boi dap them van hoa truyen thong

Tuy nhiên do đặc điểm Ba Trại là xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, đồng thời là địa bàn sinh sống xen kẽ giữa người Kinh và người Mường, cùng với đó xã có địa bàn rộng, dân cư đông, sống rải rác không tập trung, trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, đời sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chiếm 90% dân số. Chính vì vậy, việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc xã Ba Trại không phải đơn giản vì lớp trẻ ngày nay thường đi học, đi làm ăn xa, không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống. Giới trẻ hiện nay đi học và đi làm có sự giao thoa, giao tiếp với nhiều nền văn hóa nên việc giữ gìn tiếng nói, trang phục cũng dần bị mai một. Các hình thức diễn xướng được truyền từ đời này sang đời khác không có các văn bản ghi lại cụ thể, chỉ qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp cho nên khó khăn trong việc truyền dạy.

Bà Uyên cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số xã Ba Trại, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

“Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nhằm khẳng định sắc thái riêng của dân tộc mình. Chúng tôi cố gắng làm sao để mỗi hội viên phụ nữ là một nhân tố tiếp nối các giá trị văn hóa của đồng bào, gia đình. Không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và phục vụ đời sống cho bản thân, gia đình mà hơn thế, thông qua đó để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của dân tộc.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đang có ý tưởng trong thời gian tới, nếu mô hình du lịch cộng đồng làng nghề của xã được phát triển, thì đây là cơ hội để địa phương xã nhà tập trung quảng bá sản phẩm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, hình thành các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế qua hoạt động du lịch” - bà Bạch Tố Uyên chia sẻ.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này