Kỳ họp thứ 11, HĐNDTP Hà Nội khóa XV:

Làm sáng tỏ những vấn đề cử tri quan tâm

09:31 | 06/12/2019
(LĐTĐ) Ngày 5/12, tiếp tục kỳ họp thứ mười một, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề “nóng” được cử tri và nhân dân Thủ đô quan tâm: Công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn Thành phố; công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập trên địa bàn Thành phố; công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Làm rõ thêm những vấn đề cử tri quan tâm
Sẽ chất vấn các nhóm vấn đề cử tri quan tâm
HĐND quận Cầu Giấy: Tập trung giám sát những vấn đề cử tri quan tâm
Làm sáng tỏ những vấn đề cử tri quan tâm
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Làm tốt hơn công tác quy hoạch và bảo vệ môi trường

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã chất vấn lãnh đạo các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng về nguyên nhân chậm triển khai lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là 5 khu đô thị vệ tinh; những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch cũng như tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết: Đến nay, toàn Thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án (gồm 26/35 quy hoạch phân khu và 31/11 quy hoạch chung); tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%. Còn lại 10 đồ án đang được hoàn chỉnh (trong đó, có 9 quy hoạch phân khu, 1 quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được Bộ Xây dựng thẩm định, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2019) và 1 đồ án Quy hoạch chung huyện Gia Lâm đang tạm dừng chờ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Thành phố cũng hoàn thành 26 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 682,5ha…

Quy hoạch phân khu 2 bên sông Hồng đã thực hiện 3 năm nay, tuy nhiên, theo Luật Đê điều thì phải lập Quy hoạch chi tiết các tuyến sông đê và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập. Tuy nhiên, hiện nay, đang có nhiều vướng mắc, thời gian tới, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo với Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ, nhất là về quy hoạch chi tiết khu vực ngoài đê.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, đến nay, Thành phố đã xử lý triệt để đối với 25 cơ sở và thực hiện 67 cơ sở di dời. Tuy nhiên, khó khăn là chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, trong khi các doanh nghiệp có tâm lý ngại di dời và khó khăn về tài chính trong di dời, chuyển đổi công nghệ...

Giải pháp trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát danh mục trên 100 cơ sở, giới thiệu các địa điểm khu, cụm công nghiệp để các cơ sở lựa chọn di dời, đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị phải di dời.

Tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Về vấn đề giáo dục, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) đề nghị Sở quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng cho biết có ưu tiên nào cho giáo dục trong các quy hoạch đô thị hay không? Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết công tác quản lý chất lượng giáo dục đối với những cơ sở giáo dục ngoài công lập?

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường ngoài công lập thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập như: Cơ sở vật chất, việc công nhận Hội đồng quản trị và hiệu trưởng, công tác tài chính, công tác chuyên môn. Cùng với đó, thực hiện kết luận của chủ tọa tại kỳ họp trước, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung, chú trọng vào công tác thanh kiểm tra.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Sau 3 ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, kỳ họp thứ mười một HĐND Thành phố khóa XV đã thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp, HĐND Thành phố đã xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 17 nghị quyết, trong đó có 06 báo cáo và 11 nghị quyết chuyên đề. Đây là những cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, xây dựng và cầu thị. HĐND Thành phố đồng tình và đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của UBND Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong trả lời chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND Thành phố. HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố, các cấp, các ngành tiếp thu và có các giải pháp hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo và đại biểu HĐND nêu ra..

Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, Sở đã thanh tra 9 trường, kiểm tra 89 trường, 1.090 cơ sở giáo dục mầm mon ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; kiểm định chất lượng giáo dục đối với 105 trường. Qua kiểm tra cho thấy, các trường đã chú trọng đến quy chế chuyên môn, giáo viên thực hiện đúng, đủ tiết dạy theo kế hoạch, không có hiện tượng cắt xén chương trình. Không còn tình trạng giáo viên không có trình độ đứng lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non,…

“Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cấp, hậu kiểm tra cấp phép, sau cấp phép đối với các cơ sở giáo dục và kiên quyết xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Cùng với đó, kết hợp tăng cường truyền thông để người dân được biết về hệ thống giáo dục ngoài công lập, những trường đạt chất lượng”- ông Chử Xuân Dũng cho biết.

Về công tác quản lý các trường dân lập, ông Chử Xuân Dũng thừa nhận, tuy ngành rất cố gắng rà soát, nhưng trên địa bàn xảy ra một số sự việc đáng tiếc như tại trường Gateway. Sự việc tại Trường tiểu học Gatewway, bản thân ngành Giáo dục - đào tạo Thành phố có trách nhiệm. Đây là sự việc hy hữu, rất đau xót đối với ngành. Trách nhiệm lớn nhất trong việc này là ở các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp, ban giám hiệu nhà trường.

Nguyên nhân là do còn lỗ hổng trong công tác quản lý, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan. Còn nguyên nhân cụ thể cần chờ xác minh, công bố của các cơ quan điều tra. Về giải pháp để không xảy ra các sự việc tương tự, ngay sau sự việc đau lòng đó, ngành đã tổ chức rà soát yêu cầu các đơn vị trường báo cáo thống kê biển số xe, loại xe, số ghế và số học sinh được đưa đón trong từng xe; gửi kết quả về Công an Thành phố và Sở Giao thông Vận tải để phối hợp quản lý.

Nâng cao công tác đảm bảo an toàn xã hội

Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, trật tự xã hội,Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, trước hết cần nhận thức đúng thế nào là phòng ngừa xã hội và thế nào là phòng ngừa nghiệp vụ. “Chúng tôi thường có cụm từ “gắn phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm”.

Các đối tượng có tiền án tiền sự cơ quan Công an đang quản lý theo dõi được chúng tôi xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ; còn các mâu thuẫn trong xã hội có thể do bột phát, do thời gian thì là phòng ngừa xã hội”, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết và nêu ví dụ: Vụ ở Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an nhất là công an cơ sở. Chúng tôi đã yêu cầu công an huyện kiểm điểm, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn nhau, nhân dân trong khu phố đều biết.

Theo Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự là của toàn đảng toàn quân toàn dân. Cần phải phát huy được vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở; vai trò chỉ đạo của mặt trận; hội phụ nữ, thanh niên…

Làm sáng tỏ những vấn đề cử tri quan tâm
Đại biểu Hoàng Tú Anh tổ Đan Phượng

“Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng dù sao chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận trách nhiệm và đề nghị UBND Thành phố kiến nghị HĐND Thành phố có khoản kinh phí về an sinh xã hội để đảm bảo người dân có quyền được sống trong an ninh an toàn. Ngoài các giải pháp của lực lượng công an rất cần giải pháp của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền.

Trả lời về vấn đề bảo vệ trẻ em, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tháng 8/2019, đoàn công tác của Quốc hội đã giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội. Đoàn giám sát đã chỉ ra những ưu điểm và 7 hạn chế, tồn tại vướng mắc trong báo cáo.

Đồng thời, Đoàn đã ban hành kiến nghị Thành phố thực hiện 9 nội dung trong nội dung giám sát này, ngay sau khi có báo cáo giám sát, lãnh đạo UBND Thành phố đã yêu cầu các cơ quan, sở ban ngành, quận huyện thị xã thực hiện ngay việc tăng cường công tác truyền thông, tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng, cam kết trách nhiệm hành động của các ngành, các cấp, nhất là cha mẹ, người trông trẻ.

Đặc biệt, phối hợp liên ngành trong việc phát hiện, can thiệp, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em. UBND Thành phố đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành trong ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên địa bàn Thành phố. Lãnh đạo UBND Thành phố cũng đã yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo vệ trẻ em, tiếp tục chỉ đạo, rà soát, kiện toàn đảm bảo phát huy vai trò trách nhiệm của ban chỉ đạo công tác trẻ em nhất là cấp cơ sở để đảm bảo việc phát hiện, giải quyết vụ việc kịp thời để hỗ trợ trẻ hiệu quả.

Phát biểu tại chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc lựa chọn 3 nhóm vấn đề này để chất vấn, tái chất vấn đều xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý điều hành và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố, đồng thời là những vấn đề được đông đảo cử tri, đại biểu HĐND quan tâm.

Để chuẩn bị nội dung chất vấn, Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát, khảo sát và làm việc với các sở ngành liên quan để có báo cáo gửi đại biểu tham khảo. Sau phiên chất vấn, HĐND thành phố Hà Nội sẽ ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn để tạo cơ sở giám sát việc thực hiện.

Hoàng Phúc – Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này