Sản xuất rau an toàn, nan giải bài toán giá

15:30 | 26/11/2019
(LĐTĐ) Nông nghiệp sạch là một trong những phương thức sản xuất đang được Nhà nước khuyến khích nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất. Thực tế, nhiều hợp tác xã, hộ nông dân đã và đang tiến hành triển khai, song bài toán đầu vào và giá đầu ra đang làm họ đau đầu. Vựa rau lớn nhất tại Hà Nội là ví dụ điển hình.
san xuat rau an toan nan giai bai toan gia Điểm sáng từ các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao
san xuat rau an toan nan giai bai toan gia Nâng cao kỹ năng sản xuất an toàn cho nông dân
san xuat rau an toan nan giai bai toan gia Chú trọng phát triển vùng sản xuất rau an toàn

Ổn định nhờ phát triển rau an toàn

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô với nhiều thế mạnh về canh tác nông nghiệp, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm từ lâu đã là vùng sản xuất rau chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận với sản lượng 40. 000 tấn rau mỗi ngày. Song hiện tại vùng sản xuất rau xã Văn Đức vẫn tồn tại những nỗi lo do rau an toàn phải cạnh tranh giá với các loại rau trôi nổi trên thị trường.

san xuat rau an toan nan giai bai toan gia
Tuy đã đi vào sản xuất ổn định nhưng vùng rau sạch xã Văn Đức còn gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với các loại rau trôi nổi trên thị trường. ảnh: Lương Hằng

Gắn bó với nông nghiệp đã vài chục năm nên người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc các loại rau, tạo tiền đề cho việc hình thành vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô lớn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức cho biết: “Xã Văn Đức có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vùng rau an toàn. Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc rau. Tuy nhiên để sản phẩm cung cấp ra thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng thì người dân vẫn chưa nắm bắt đầy đủ quy trình kỹ thuật, đây cũng là lý do trước đây thương hiệu của rau Văn Đức vẫn chưa được nhiều người biết tới.”

Để giải quyết vấn đề này, ngay khi mới thành lập, Hợp tác xã đã đưa ra những lộ trình tập huấn khoa học kỹ thuật cho các xã viên và người dân. Tham gia vào Hợp tác xã, các xã viên sẽ được tập huấn về quy trình làm rau an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, giảm tổn thất do yếu tố khách quan, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng đó, Hợp tác xã cũng đã xây dựng các mô hình điểm để người dân so sánh đúc kết kinh nghiệm, từ đó tuyên truyền về quyền lợi và trách nghiệm của người dân với những sản phẩm mình làm ra.

Bên cạnh việc trồng và chăm sóc rau, Hợp tác xã Văn Đức cũng chú trọng đến việc quản lý chất lượng sản phẩm. Để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã đã hình thành các nhóm hộ sản xuất để các hộ giám sát nhau. Tham gia nhóm sản xuất này, các xã viên sẽ cùng nhau sản xuất, cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nhắc nhở nhau để có được vùng rau an toàn chất lượng. Cùng đó, cơ quan quản lý và khách hàng cũng có quyền giám sát quy trình sản xuất rau sạch thông qua quan sát thực tế và nhật ký đồng ruộng của bà con.

Cũng theo ông Minh, từ khi hình thành vùng sản xuất rau sạch đến nay, bà con nông dân nơi đây đã ý thức hơn trong việc trồng và chăm sóc rau. Đặc biệt, khi các cơ quan quản lý về lấy mẫu rau đi phân tích thì tất cả các mẫu rau đều dưới ngưỡng cho phép. Thực tiễn cho thấy, trong vòng 1 năm, xã Văn Đức có thể xuất đi gần 40.000 tấn rau ra thị trường, trong đó có hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể…cùng đó xã cũng xuất đi các thị trường tiềm năng như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Đài Loan và Hàn Quốc. Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện chương trình OCOP để nâng cao chất lượng rau để cung cấp ra thị trường quốc tế, xuất khẩu ra các nước. Cùng đó, Hợp tác xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tác động vào nhận thức của các xã viên và các hộ dân để có các sản phẩm an toàn, cạnh tranh được với các sản phẩm nước khác.

Còn ông Nguyễn Văn Lở một xã viên ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức thì cho biết, so với trước đây, thu nhập từ trồng rau của người dân xã Văn Đức chúng tôi tăng lên ít phải từ 30 tới 40 %. Sở dĩ có sự thay đổi trên là do trước đây các hộ dân chủ yếu làm theo hướng sản xuất tự do, mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch, các xã viên không học hỏi được kinh nghiệm của nhau. Thế nhưng hiện tại, người dân chúng tôi làm theo chủ trương của Hợp tác xã trong việc gieo trồng và chăm sóc rau, tình hình thời tiết cũng được thông báo kịp thời nên việc làm nông nghiệp dễ dàng hơn.

Đánh giá về hiệu quả của vùng rau an toàn Văn Đức, ông Trần Xuân Điệu – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Đức khẳng định: “Tại Văn Đức, giá trị sản xuất rau đạt khoảng 600 triệu /ha, có rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả có thể đạt 700 – 800 triệu/ha. Hiện nay xã đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, thời gian tới xã Văn Đức sẽ tập trung tuyên truyền làm sao để cho mỗi hộ gia đình sẽ thực hiện việc tổ chức sản xuất có những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao sản lượng cũng như giá trị của cây rau, giúp người dân nâng cao đời sống.”

Sản xuất ổn định nhưng còn nhiều khó khăn.

Những ngày này, các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức và các hộ dân đang vào vụ thu hoạch cải bắp. Cải bắp năm nay được mùa, thế nhưng người dân vẫn không thể vui, vừa thu hoạch cải bắp, ông Nguyễn Văn Viết (thôn Trung Quan, xã Văn Đức) vừa tâm sự với phóng viên: “Hiện tại, xã Văn Đức chúng tôi đang vào mùa thu hoạch bắp cải và súp lơ, giá rau cải cách đây hơn 1 tuần vẫn được 4 nghìn đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn được 1, 5 nghìn đồng/kg, trong khi đó rau đều là rau loại 1, rau xấu các thương lái không mua. Cũng may mà súp lơ thời điểm này vẫn được từ 3 - 4 nghìn đồng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp mong muốn cấp trên tìm được đầu ra cho sản phẩm, cứ giá này thì người dân chỉ lấy công làm lãi.

Để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình sản xuất rau sạch cho địa phương, ông Minh mong muốn các cơ quan có thẩm quyền thắt chặt hơn nữa trong việc quản lý thị trường để sản phẩm an toàn tới được tay người tiêu dùng. Các sản phẩm khi đến các chợ đầu mối phải minh chứng được nguồn gốc, những sản phẩm nào không có nguồn gốc chúng ta loại bỏ, như vậy mới đảm bảo được sự công bằng cho người dân khi họ tuân thủ quy trình trồng rau an toàn.

Cùng chung ý kiến với ông Viết, ông Nguyễn Văn Lở cũng cho hay: “Chúng tôi làm rau phụ thuộc vào thời tiết và thiên nhiên rất nhiều, nếu như thời tiết thiên nhiên không ưu đãi thì cũng trắng tay. Chúng tôi mua cây giống đã 1 nghìn đồng/cây mà giá bắp cải hiện tại chỉ được có 1,5 nghìn đồng/kg, còn tiền phân bón nữa thì người dân chẳng còn được bao nhiêu. Rau xã chúng tôi dù có thương hiệu, có tem, có mã vạch nhưng vẫn bị đánh đồng với các loại rau trôi nổi trên thị trường. Người dân chúng tôi mong muốn Nhà nước có kế hoạch quản lý khu vực sản xuất, chợ, đưa cây rau vào đúng địa điểm để người tiêu dùng biết đến rau an toàn của địa phương từ đó người dân tới và mua.

Nói về khó khăn, vướng mắc trong phát triển rau sạch xã Văn Đức, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức cho biết: “Đặc thù riêng của lĩnh vực nông nghiệp thường rất khó khăn trong hoạt động. Trong thời gian qua Hợp tác xã Văn Đức đã có rất nhiều cố gắng để đưa nông nghiệp của địa phương đi lên, tuy nhiên đến nay, Hợp tác xã vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là do không có trụ sở làm việc, không có nhà kho, sân phơi, kho bảo quản nông sản mà toàn bộ việc bảo quản, đóng gói rau phải nhờ công ty Hương Cảnh. Đặc biệt, điều gây khó khăn nhất với Hợp tác xã phải kể đến là rau của địa phương phải cạnh tranh với các loại rau không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, rau dù an toàn nhưng không có thị trường tiêu thụ.”

Để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình sản xuất rau sạch cho địa phương, ông Minh mong muốn các cơ quan có thẩm quyền thắt chặt hơn nữa trong việc quản lý thị trường để sản phẩm an toàn tới được tay người tiêu dùng. Các sản phẩm khi đến các chợ đầu mối phải minh chứng được nguồn gốc, những sản phẩm nào không có nguồn gốc chúng ta loại bỏ, như vậy mới đảm bảo được sự công bằng cho người dân khi họ tuân thủ quy trình trồng rau an toàn.

Ngoài ra, hiện nay các địa phương đang hình thành các chuỗi liên kết, thế nhưng chuỗi liên kết này đòi hỏi 4 nhà: Nhà khoa học, quản lý nhà nước, hợp tác xã, bà con nông dân. Để liên kết bền vững thì bắt buộc phải có sự tham gia của doanh nghiệp, tuy nhiên lĩnh vực đầu tư nông nghiệp lợi nhuận rất thấp mà rủi do rất cao nên thường ít có doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Do đó, để chuỗi liên kết này thực sự đi vào hiệu quả thì nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ như: Giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi.

Cùng đó nên có các biện pháp hỗ trợ đầu vào như trợ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm nguồn gốc thảo dược, sinh học vi sinh để sản xuất mang tính bền vững, từ đó có thể xuất khẩu rau ra nước ngoài, đáp ứng nhu cầu cho những thị trường khó tính.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này