Bài học sau cơn bão Haiyan: Thảm họa từ biến đổi khí hậu

09:54 | 11/11/2014
Chính phủ tại các quốc gia như Banglades, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Philippines cần đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao năng lực bảo vệ người dân, trong bối cảnh đây là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Đó là lời cảnh báo của Tổ chức Nhân đạo và phát triển quốc tế Oxfam đưa ra trong một báo cáo mang tên “Không thể chờ đợi” vào thời điểm một năm sau thảm họa siêu bão Haiyan tàn phá Philippines.

Một năm kể từ ngày cơn bão Haiyan đổ bộ, bất chấp những nỗ lực cứu trợ nhân đạo mà chính phủ và người dân Philippines đã nhận được, các gia đình nơi đây vẫn đang chật vật trong việc khôi phục sinh kế và thậm chí đứng trước nguy cơ bị rơi xuống đáy sự cùng cực. Hơn một triệu hộ gia đình nông dân trồng dừa và 200.000 hộ ngư dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ tháng 11/2013 đến nay, tổ chức Oxfam đã triển khai hoạt động cứu trợ tại hơn 32 địa bàn chịu ảnh hưởng, đầu tư hỗ trợ 23 triệu đô la Mỹ (trong một kế hoạch ba năm trị giá 60 triệu); cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh công cộng, máy bơm nước và phiếu đổi hàng cho hơn 868.960 người dân; trợ giúp họ sửa chữa nhà cửa, thay thế và đóng lại tàu đánh cá, dọn sạch các cây dừa bị gãy đổ, và xây dựng các xưởng mộc để chế biến những mảnh gỗ dừa thành nguyên liệu xây lại nhà cửa.

Hiện nay, hai phần ba số dân toàn thế giới không được đảm bảo an ninh lương thực sống tại châu Á. Đây lại là khu vực tập trung đông các hộ sản xuất lương thực quy mô nhỏ (nông dân và ngư dân). Nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và lũ lụt là những mối đe dọa thường trực đối với những người dân sinh sống dọc theo hàng nghìn dặm đường bờ biển. Các hậu quả tiêu cực tác động lên việc sản xuất lương thực sẽ thay đổi một loạt các mặt hàng trên thị trường, cũng như làm nặng thêm trách nhiệm của chính phủ.

Theo Chiến lược quốc tế giảm nhẹ thảm họa của Liên hợp quốc (UNISDR), châu Á là khu vực hứng chịu nhiều thảm họa nhất thế giới. Năm 2013, 78% số người chết do thảm họa trên toàn thế giới đến từ châu Á, so với 60% các thiên tai, thảm họa xảy ra. Theo ước tính trong 20 năm qua, châu lục này đã phải gánh chịu gần một nửa thiệt hại gây ra do các thảm họa trên toàn thế giới, thiệt hại tương đương 53 tỷ USD mỗi năm. Mức thiệt hại này vượt xa mức tăng GDP của cả khu vực. Tại Đông Nam Á, riêng thiệt hại do mất mùa, mất đất canh tác gây ra cũng đã lên đến 1 tỷ USD.

Theo Oxfam, nếu không hành động, các quốc gia – Indonesia, Philippines, Thái Lan đến năm 2100 có thể sẽ bị mất đến 6,7% GDP hàng năm, gần gấp đôi thiệt hại trung bình của toàn thế giới (số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB). Điều này sẽ đẩy lùi bước tiến của nhiều nền kinh tế châu Á hiện đang có mức tăng trưởng GDP bình quân 6% mỗi năm kể từ năm 2012.

Bên cạnh đó, theo các phân tích của Oxfam về các chính sách giảm nhẹ rủi ro thảm họa và ứng phó với biến đổi khí hậu của 10 quốc gia thành viên ASEAN và bốn quốc gia khu vực Nam Á, nhiều chính phủ châu Á đang đầu tư quá ít vào các kế hoạch phát triển nông nghiệp để tăng khả năng ứng phó của người dân trước biến đổi khí hậu.

Vì thế, trước những dự đoán về tình trạng khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, các quốc gia tại châu Á và các nhà tài trợ quốc tế cần có trách nhiệm bảo vệ người dân bằng việc thực hiện các cam kết và mở rộng quy mô các chương trình hiện tại nhằm đảm bảo người dân có thể phục hồi trước những rủi ro liên quan đến khí hậu.

Kim Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này