Yêu khẽ

(LĐTĐ) Thắng đứng mãi dưới cái gốc cây hoa sữa trên phố Phan Chu Chinh, chẳng buồn nhúc nhích. Cái nắng khẽ của một ngày chớm hè khiến gã lao đao như say. Hoa sưa nở trắng phố khiến gã lại thấy cái cảm giác bải hoải, trống rỗng tràn về.
yeu khe Tản mạn mùa hoa dẻ
yeu khe Mùa ổi chín

Loay hoay một hồi, gã dựng chân chống xe, tháo cái mũ bảo hiểm “Grab” màu xanh rồi nằm ngửa lên yên xe, đậy mũ lên mặt. Gã tính đánh một giấc cho hết cơn chán chường rồi sẽ lại tiếp tục “đi cày”. Dưới tán cây sưa, gã chìm dần vào giấc ngủ. Hình bóng cô con gái nhỏ chập chờn trong giấc ngủ vạ vật của gã, vừa thân thương vừa đụng chạm vào tận đáy sâu trong tâm hồn gã.

Ngủ được một lúc, Thắng giật mình xuýt ngã nhào xuống đất bởi tiếng gọi khe khẽ: “Bác ơi, có chạy xe ôm không?”. Gã bật dậy dụi mắt, định xẵng giọng trả lời luôn là “không chạy” nhưng thấy cũng chưa đến giờ đi đón con nên gã gật đầu: “Có, em đi đâu?”. Trước mặt gã là một phụ nữ đeo khẩu trang kín mít chỉ trừ hai con mắt, trông vóc dáng vẫn còn trẻ.

yeu khe

“Cho em về khu công nghiệp X”. Chà, một cuốc khá xa đáng mơ ước trong một ngày ế ẩm. Gã “check” đường đi rồi thông báo với cô em số tiền phải trả. Người phụ nữ gật đầu “ok” rồi leo lên sau gã. Gã bảo cô đưa mấy túi đồ gã treo phía trước xe rồi đưa cho cô cái mũ màu xanh dành cho khách. Gã nổ máy phóng đi. Nhanh, còn kịp về đón con. Gã chăm chú lái xe, không trò chuyện với khách. Nhiều tài xế xe ôm như gã thường trò chuyện trên những quãng đường để lấy câu chuyện làm quà hay để đời xe ôm bớt nhàm chán, còn gã thì không thích thế. Gã thích im lặng, thích quan sát và thả hồn vào những phong cảnh bên đường.

Trước khi lấy Huệ, gã khá lãng mạn, mơ mộng và thích cảm nhận cuộc sống theo cách ngả nghiêng, bồng bềnh nhất. Nhưng cái thói lãng mạn ấy lại làm hại gã, bởi chỉ một lần bị “thả thính”, cuộc đời gã đã sang trang theo nghĩa thảm hại nhất.

Gã còn nhớ, bảy năm về trước, gã là sinh viên năm cuối của trường Đại học Giao thông, nhà ở tận Hòa Bình lên Hà Nội trọ học, ngoài giờ học gã chạy xe ôm để kiếm sống. Vốn là một kẻ trầm tính, nội tâm, gã lại được bọn con gái cùng lớp đánh giá là “lạnh lùng”. Mà lạ thay con gái lại thích con trai lạnh lùng mới chết. Gã đích thị là một soái ca nghèo rớt mùng tơi khiến nhiều cô gái nhấp nhổm ngầm cạnh tranh. Gã nghèo thật, gã chẳng có thời gian yêu đương, gã phải tranh thủ kiếm tiền nuôi thân và còn đèo bòng thêm đứa em trai cũng đang học đại học.

Gã lọt vào mắt xanh của Huệ từ khi nào gã cũng chẳng biết nữa. Huệ đẹp mong manh như trong miêu tả của những tiểu thuyết ngôn tình mà mấy đứa con gái trong lớp ngốn rầm rầm. Con gái giao thông mà dịu dàng, ngọt ngào, pha lẫn một chút đong đưa khiến cánh con trai điêu đứng, mê mệt. Ấy thế mà Huệ lại chỉ thích “soái ca lạnh lùng” là gã.

Những ngày cuối cùng ở giảng đường, dường như ý chí tấn công của Huệ hướng về Thắng lại càng mạnh mẽ hơn. Ban đầu là sự quan tâm, tiếp theo đó là những ngày nhờ vả gã chở đi đâu đó. Quãng thời gian “nàng” ngồi sau “chàng” là lúc Huệ “thả thính buông câu”. Ví như mùa thu Hà Nội se lạnh đi dưới những hàng hoa sữa, Huệ sẽ co ro người lại sau lưng Thắng. Ví như đi dưới mùa hè, Huệ sẽ trầm trồ những cây hoa sưa nở trắng con phố và đòi dừng xe để nhặt một cánh hoa rơi. Nếu như đi dưới cơn mưa, Huệ sẽ cười thật tươi và vuốt nhẹ những giọt nước đọng trên khuôn mặt phong trần của Thắng…

Cứ như thế, cái đồng cảm tự nhiên hay tự diễn của Huệ thấm dần vào tim của soái ca lạnh lùng. Vào một ngày đẹp nhất của mùa hè năm ấy, Huệ đã tỏ tình với gã. Bất ngờ, thú vị, nhưng mông lung, Thắng đón nhận tình cảm của Huệ mà không chắc chắn mình có thực sự yêu Huệ không.

Dường như Huệ hiểu tâm lý đàn ông cho nên ra sức ăn mặc đẹp, trang điểm cho thêm xinh xắn và thể hiện khả năng nội trợ xuất sắc mỗi khi mời Thắng đến nhà trọ. Cứ thế, dù có nhận lời hay không thì gã cũng vẫn rơi vào cái “bẫy tình” của Huệ. Hai người mặc nhiên coi nhau như người yêu.

Thế nhưng Huệ vẫn cảm giác như chưa thể “trói chặt” được gã. Gã yêu đấy nhưng vẫn hờ hững như không, cũng chẳng hứa hẹn gì. Huệ quyết tâm “trói chặt” hơn nữa để gã hết đường “thoát”. Hôm ấy, Huệ rủ gã đi uống rượu, ngắm cảnh trên cầu Nhật Tân rồi bất chợt kêu chóng mặt, bắt gã đưa vào nhà nghỉ rồi khoe tấm thân ngọc ngà trước mặt gã. Là đàn ông làm sao gã có thể không động lòng khi mỡ dâng đến tận miệng mèo.

Ngày gã nhận tấm bằng tốt nghiệp, Huệ báo thêm cho gã một “tin vui” là gã và Huệ sắp có một món quà chung mà thượng đế thương tình trao tặng: Một đứa con. Gã còn nhớ, sau khi nghe tin ấy, trời đổ cơn giông lớn, những con đường gã chạy cuốc xe cuối cùng dường như tan tác dưới mưa. Hoa sưa rụng trắng phố rồi bị những làn xe kẹp nát thành những mảng nhầy nhụa đến nôn nao. Gã đã đón nhận đời mình sang trang như thế, trong một ngày giông bão.

Sau đám cưới, chưa xin được việc làm, Thắng vẫn tiếp tục chạy xe ôm kiếm sống, nuôi vợ con. Những ngày tháng ở bên Huệ khiến gã nhận ra tâm hồn đầy cảm xúc được tưới tắm bằng sự lãng mạn khôn cùng của gã đã bị đánh cắp. Gã vẫn lạnh lùng nhưng chẳng thể là một soái ca như Huệ mơ ước, hoặc chính gã cũng thảng thốt đến mức ngây dại, quên mất cả định hướng của đời mình.

Khi bé con ra đời, Huệ cũng nhận ra thứ tình yêu bắt đầu bằng một âm mưu “thả câu” mà mình sắp sẵn kịch bản vốn vô cùng hời hợt, không hề có sự chia sẻ, yêu thương. Những tháng ngày viên mãn mà Huệ tưởng tượng ra hình như chưa bao giờ xảy đến. Thắng như một vị khách bước chân vào cuộc đời Huệ, dửng dưng và chẳng hề quan tâm đến bất cứ điều gì.

Khi đứa bé lên hai, Huệ bỏ nó lại và đi mất tích. Đó là những ngày mờ mịt với Thắng, nhưng gã đón nhận một cách bình thản nhất với nỗi đau vốn đã dạn dĩ thường dội lên trong những đêm mưa.

“Rẽ phải đi anh”, giọng nói ở phía sau nhắc nhẽ. Thắng giật mình rời khỏi những hồi ức rồi rẽ sang phải. Dừng xe trước một ngõ nhỏ, gã chẳng buồn nhìn khách hàng, lấy điện thoại ra “check” lại số tiền. Khi gã ngẩng lên đã thấy cô gái cởi bỏ khẩu trang và kính mắt. Một khuôn mặt bình thường và phổ cập như bất cứ cô gái nào mà gã từng gặp.

“Tám mươi ba ngàn”, gã thông báo. Cô gái lấy ví tiền ra đưa cho gã tờ năm trăm ngàn. Gã không có tiền lẻ trả lại bèn bảo “thôi tám mươi ngàn cũng được” rồi rút ví đưa cho cô bốn trăm hai mươi ngàn. Cô gái cầm lấy, nhìn gã ba giây rồi bất chợt ghé môi hôn vào má gã một cái. “Hết nợ nhé! Cảm ơn anh!”. Cô chạy biến vào cái ngõ nhỏ, còn gã thì ngẩn ngơ.

Gã cứ đứng mãi đấy, chàng trai lãng mạn của nhiều năm trước bỗng quay về làm gã thấy nuối tiếc. Rốt cuộc cuộc sống đã vùi dập gã ra nông nỗi này là bởi tại đâu? bởi gã đẹp trai, lạnh lùng, hờ hững với phụ nữ cho nên gã phải trả giá hay sao? Từ ngày Huệ bỏ đi, gã đã quyết định chọn nghề lái xe ôm công nghệ để có thời gian chăm sóc con. Gã biết nếu gã làm ở một công ty nào đó thì chắc chắn sẽ không thể chủ động về mặt thời gian cho con bé. Và rồi, năm này qua năm khác, cái mơ ước mặc vest đến công sở, trở thành một nhân viên mẫn cán hay một ông sếp ăn to nói lớn đã trở thành dĩ vãng. Con gã là số một, còn mọi giấc mơ khác… để sau tính. Chỉ có điều con bé đúng là không có mẹ, vừa ngang tàng vừa ngỗ nghịch khiến bao phen gã phải đau đầu.

Trên suốt quãng đường trở về trường đón con, gã cứ mông lung nghĩ về cái hôn ban nãy. Cô gái ấy quả thật không đẹp, nhưng môi cô rất thơm. Mùi thơm của dứa đầu mùa, ăn vào thấy ngọt lịm và mát đến tận tim gan, sau đó thì còn vương vất mãi không thôi. Gã tự vả mình một cái rồi nhủ: “Chết vì cái tội lãng mạn mà vẫn chưa chừa”. Nếu gã không lãng mạn thì đã không mắc bẫy Huệ, và giờ này gã đã có gia đình, sự nghiệp như bao người khác chứ không phải cảnh gà trống nuôi con và đi đánh bóng mặt ngoài đường. Cuộc đời gã rốt cuộc là rất thảm hại, miễn đánh giá!

Lâu lắm rồi, gã thấy hoa sưa đẹp, đẹp đến xôn xao.

Đêm hôm ấy gã nằm mơ thấy khuôn mặt của cô gái lạ, khuôn mặt “phổ cập” ấy mà gã cũng có thể nhận ra giữa muôn ngàn khuôn mặt khác. Gã tỉnh dậy và thấy cuộc đời không còn là ngày hôm qua nữa. Đời rất khác và tình cũng rất khác. Gã chắc rằng mình đã gặp tiếng sét ái tình, hoặc là cô gái ấy đã vô tư làm thức tỉnh những cảm xúc đã dấu kín của gã. Một cuộc khai quật phũ phàng và ngọt ngào.

Từ hôm sau, gã luôn tranh thủ nhận những cuốc xa, mỗi lần đến gần khu vực thả cô gái hôm trước, gã lại đi xe không đến đấy, đứng vu vơ một lúc rồi nhận cuốc khác. Gã nghĩ mình như một kẻ rình mò, nhưng thực ra đó là bản năng của gã. Gã nhớ mùi dứa thơm trên môi cô gái ấy, bất chấp những chuyện điên rồ mà gã đang làm.

“Em đã khơi dậy cảm xúc trong anh, vì thế đừng bắt anh phải dừng lại”, gã lẩm bẩm một đoạn lời của bài hát nào đấy mà gã chẳng nhớ nữa.

Và rồi, gã gặp lại nàng thật. “Ơ, anh! Lại gặp anh ở đây”. Nàng vui mừng reo lên khi bắt gặp gã đứng bên đường. Gã cũng vờ ngạc nhiên: “Không ngờ lại gặp lại…”. Nàng đặt gã một chuyến quay lại đường Phan Chu Chinh. Lần này ngồi sau gã, nàng chủ động trò chuyện. Gã mang máng hiểu rằng nàng là công nhân làm trong một nhà máy nước khoáng, hai mươi lăm tuổi, nhà ở Sơn Tây, có con gái lên bốn tuổi. Nàng có bà cô họ ở đường Phan Chu Chinh, thỉnh thoảng mang đồ ăn sạch từ quê lên và gọi nàng đến lấy mang về cho con ăn cho đảm bảo. “À thì ra em có chồng rồi”, gã lẩm bẩm cho chính mình nghe nhưng nàng lại nghe thấy. “Có chồng rồi thì sao?”. Nàng hỏi lại, im lặng một lúc, gã buột miệng: “Tiếc quá!”.

Lúc nàng xuống xe đã chủ động xin số của gã rồi dặn: “Lúc nào về em gọi anh nhé. Nếu anh ở quanh đây thì đón em. À… em tên Hạ, còn anh tên gì?”. Gã ừ một cái, bất giác tim rung lên trong ngực. Chỉ là xin số điện thoại thôi mà.

Những lần sau đó, nàng gọi gã đưa đón. Nhiều lần gã thử nói với nàng theo cách lãng mạn nhất như: Hôm nay nắng đẹp, hôm nay lá rụng ngập phố, bản nhạc này anh thích…nhưng nàng dường như không có được cái lãng mạn ấy, nàng chỉ bảo: “ừ, mọi thứ đều rất khẽ, như em với anh”. Gã giật mình cảm nhận được sâu trong lời nói của nàng. Mọi thứ đều rất khẽ, và gã biết, gã đang yêu nàng, yêu khẽ!

“Thỉnh thoảng nhớ nhau là được rồi!”, nàng nói thế và gã cũng gật gù. Ừ, thỉnh thoảng nhớ nhau. Đó là vì gã và nàng không thể yêu nhau, chỉ là một cái gì đó mơ hồ như là, đôi lúc cần một bờ vai để dựa, đôi lúc cần một bàn tay để nắm, đôi lúc cần một người ôm chặt khi khóc và bảo “nín đi!”. Chỉ thế thôi.

Hạ có ánh mắt rất đặc biệt, có thể giống như cách miêu tả bầu trời sau cơn mưa, chưa kịp hửng nắng, vẫn còn vương chút ướt át của những giọt nước long lanh, cũng giống như một chút hơi lạnh da diết của cơn gió thoảng qua trong mưa, vẫn còn lưu lại nơi đáy mắt. Thỉnh thoảng nửa đêm, gã bảo Hạ chụp ảnh rồi gửi cho gã, lúc nào Hạ cũng cười tươi nhưng ánh mắt ấy vẫn chứa đựng những da diết mang về từ một cơn mưa cũ. Có thể là một cơn giông đã đi qua cuộc đời của Hạ, hoặc là một cơn giông đang hiện hữu. Không hiểu sao, trong những lúc nhớ Hạ, gã luôn bị ánh mắt ấy làm cho xao động. Thỉnh thoảng gã cũng buông thả lòng mình, buông một chữ “nhớ” gửi cho nàng rồi lại đóng chặt cảm xúc của mình lại, sợ lại phải mất đi rất nhiều như đã…

Một lần, Thắng kể cho nàng nghe về một cuộc tình cũ và kết luận rằng, đôi khi người ta không chịu được những mệt mỏi trong cuộc tình, muốn dứt bỏ nó đi để tìm sự “thanh thản”, thế nhưng khi đã rời bỏ được nó thì dường như đã quen với những mệt mỏi rồi, chỉ ước chi có thể quay trở lại những ngày mệt cũ, để mà tiếp tục được yêu ai đó…Hạ cười chế nhạo rằng gã lãng mạn dở hơi.

Một ngày, Hạ bảo gặp nhau một chút đi!, “Ừ, gặp”, tim gã lại nhói lên, phóng xe hết tốc độ đến đón Hạ. Hạ ngồi sau xe gã, vòng tay qua eo gã. “Tối nay, mình cứ đi thế này đến hết đêm, đến sáng được không anh?”, Hạ bất chợt nói với gã thế. Gã muốn thế, ngàn lần muốn thế, nhưng gã chỉ gửi con cho hàng xóm được đến 10 giờ đêm, con bé không có gã nhất định không chịu ngủ. “Anh rất muốn ở lại với em, nhưng anh phải về, nếu không cô nàng của anh sẽ khóc”. Gã nói xong, im lặng và thấy mình ngu ngốc. “Ừ”, Hạ buông tay khỏi gã, rồi không bao giờ thấy nàng rủ gã “đi hết đêm nay” nữa.

Có một lần gã ngồi với Hạ dưới gốc cây sưa ven đường, Hạ bảo: “Em với người ấy, đã từng thực sự yêu nhau, không giống như em với anh”. “Ừ, em yêu chồng mình, sao còn đến với anh?”, gã thắc mắc lấy lệ. Hạ nhìn gã như người hành tinh: “Chồng ư? Đó chỉ là một cuộc tình đã cũ”.

Hạ kể, người cũ, tình cũ, dù đã bước qua đời nhau nhưng những dư âm của nó vẫn còn khiến trái tim day dứt. Nàng đã từng yêu một người đến hóa đá con tim, đã mệt mỏi long đong với cuộc tình mà mình nguyện sẽ cháy hết, nhưng cuối cùng hắn cũng rời bỏ nàng đi theo tiếng gọi của ái tình. Thế là khi mỏi mệt, nàng đã ngừng đi bên đời người đàn ông ấy, và kết quả còn lại là một đứa con. “Có lẽ, với em thế là đủ”, Hạ kết luận.

Nàng kể đến đâu, gã bàng hoàng đến đấy. Vậy mà gã nghĩ nàng vẫn có chồng, để rồi gã phải kìm nén, phải yêu rất khẽ để đừng làm đổ vỡ dù đôi lúc gã cũng thấy nhói tim.

“Này em…”. Gã gọi nàng. “Gì thế anh!”. “Anh không thể yêu em, yêu khẽ thế này”. “Ừ”, mắt nàng cụp xuống, nàng nói: “Dù sao thì anh cũng phải quay về với cô ấy”. “Cô ấy nào cơ?”, đến lượt gã chột dạ. “Người phụ nữ khiến anh không thể ở bên em một đêm. Người mà dù em có cố giữ thế nào anh cũng nhất định phải về”. “Ừ, nhưng cô nàng đó là con gái anh. Nó mới 6 tuổi, không có mẹ, nếu anh không về….”. Bây giờ đến lượt nàng thảng thốt. “Vậy mà em cứ tưởng…”.

Gã định nói với nàng nhiều hơn thế nữa, nhưng nàng đã dơ ngón tay lên miệng khẽ “xuỵt” một tiếng ra hiệu gã đừng nói. “Kể từ khi gặp anh, em chợt nhận ra, đời người quan trọng nhất chính là sự từng trải. Vui cũng được, khổ cũng được, nhưng đã trôi qua rồi thì đừng cố nhớ. Nếu ta mãi trốn tránh hiện tại bằng cách sống trong hồi ức, cũng là lúc hạnh phúc trượt theo kẽ tay mà trôi đi mất”, nàng thì thầm.

Lần đầu tiên trong suốt những năm tháng dài, những kẻ lạc lối thấy cuộc đời tươi như một chiếc lá non xanh vươn lên từ một cái cành già cỗi. Chiếc lá đang cất tiếng cười, rung lên trong không gian, dưới ánh nắng, trong kỳ ảo của tình yêu đậu khắp mặt đất… rất khẽ.

Bảo Thoa

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

Miệt mãi giữ nghề xưa trên phố

Miệt mãi giữ nghề xưa trên phố

(LĐTĐ) Chiều ngày 19/4/2024, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã diễn ra buổi khai mạc chuỗi các hoạt động văn hóa với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".
Du lịch Khánh Hòa dịp lễ 30/4: Doanh nghiệp kỳ vọng, du khách thận trọng

Du lịch Khánh Hòa dịp lễ 30/4: Doanh nghiệp kỳ vọng, du khách thận trọng

(LĐTĐ) Các doanh nghiệp du lịch tại Khánh Hoà kì vọng kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 này là "thời điểm vàng" để đón lượng lớn du khách đến tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những chiêu trò lừa đảo như bán tour du lịch không chất lượng, giá r
HĐND các cấp đổi mới phương thức giám sát theo hướng đi sâu, đi sát đến tận cơ sở

HĐND các cấp đổi mới phương thức giám sát theo hướng đi sâu, đi sát đến tận cơ sở

(LĐTĐ) Trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và các quận, huyện, thị xã có cách làm rất hay, sát thực tiễn, trong đó chú trọng thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan. Trong đó, phương thức giám sát tiếp tục được đổi mới theo hướng đi sâu vào những nội dung cụ thể, đi sát đến tận cơ sở.
Xe khách bốc cháy trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Xe khách bốc cháy trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

(LĐTĐ) Xe khách chở khoảng 20 hành khách đang chạy trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - Long Thành - Dầu Giây thì bất ngờ bốc cháy, khiến nhiều người hoảng sợ.
Công ty Tâm Lộc Phát đã huy động hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư

Công ty Tâm Lộc Phát đã huy động hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư

(LĐTĐ) Để tạo lòng tin, thu hút các nhà đầu tư, nhóm của Khuyên đã đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng (khoảng 2,93%/tháng). Từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã huy động được hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Khởi tố nhóm đối tượng tàng trữ ma túy, trộm cắp xe máy

Khởi tố nhóm đối tượng tàng trữ ma túy, trộm cắp xe máy

(LĐTĐ) Ngày 19/4, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm đối tượng Phùng Văn Thi, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Nghị để điều tra làm rõ về các hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật cán bộ, tổ chức đảng

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật cán bộ, tổ chức đảng

Ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

Tin khác

Miệt mãi giữ nghề xưa trên phố

Miệt mãi giữ nghề xưa trên phố

(LĐTĐ) Chiều ngày 19/4/2024, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã diễn ra buổi khai mạc chuỗi các hoạt động văn hóa với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Kỳ tích về sức mạnh chiến đấu của dân tộc

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Kỳ tích về sức mạnh chiến đấu của dân tộc

(LĐTĐ) Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại".
Khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đọc sách trong mỗi người dân

Khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đọc sách trong mỗi người dân

(LĐTĐ) Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, trên địa bàn quận Tây Hồ đã và đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi. Không chỉ giới thiệu, đưa sách đến gần hơn với mọi người, các hoạt động này còn góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tôn vinh nền Văn hóa Đông Sơn qua trưng bày "Tiếng vọng"

Tôn vinh nền Văn hóa Đông Sơn qua trưng bày "Tiếng vọng"

(LĐTĐ) Ngày 18/4, Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc trưng bày chuyên đề "Tiếng vọng" nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 và kỷ niệm 100 năm nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam.
Những kỷ vật truyền lửa tới thế hệ mai sau

Những kỷ vật truyền lửa tới thế hệ mai sau

(LĐTĐ) Vừa qua, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tổ chức Lễ trao tặng và tiếp nhận bức phù điêu bằng đồng và kỷ vật kháng chiến của đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện để trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng và tri ân những cống hiến của vị tướng đối với “Con đường Trường Sơn huyền thoại”.
Mưa đầu mùa

Mưa đầu mùa

(LĐTĐ) Ai đã từng sống ở Phương Nam, mới thấm hết niềm vui và cảm xúc đặc biệt khi gặp cơn mưa đầu mùa. Sáu tháng trời đằng đẵng mùa khô. Nắng khét tóc, khét da. Nắng đốt khô cong cả đất và người. Nắng hút cạn sông hồ kênh rạch. Đến rêu trên mái ngói cũng tưởng như hóa thạch. Nơi phố thị, những hàng cây, lá phổi thành phố trân mình trong nắng. Tán lá oằn mình chịu phết tầng tầng lớp bụi. Bụi phủ lên màu xanh, bụi chui vào từng gân lá. Lá thinh lặng hít thở như hấp hối...Sáu tháng, khát mưa, nhớ mưa...
Giỗ tổ Hùng Vương - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Giỗ tổ Hùng Vương - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là ngày để người dân Việt Nam tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Trao tặng kỷ vật kháng chiến gắn với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện

Trao tặng kỷ vật kháng chiến gắn với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện

(LĐTĐ) Ngày 16/4, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tổ chức Lễ trao tặng và tiếp nhận bức phù điêu bằng đồng và kỷ vật kháng chiến của đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện để trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng và tri ân những cống hiến của vị tướng đối với “Con đường Trường Sơn huyền thoại”.
Những đêm hè đom đóm

Những đêm hè đom đóm

(LĐTĐ) Bóng hoàng hôn loang dần về phía chân trời, nhuộm những bồng bềnh sóng lúa lấp lánh đến mênh mông. Những chú cò trắng không còn mải miết men sông lượm lặt con tôm, cái tép mà cũng vội cõng ánh hoàng hôn bay về. Những ngọn cây đằm mình đung đưa trên nền trời xâm xấp bóng như vẫy chào tạm biệt một ngày sắp qua. Đêm khe khẽ buông, đôi mi dần khép lại… cho đến khi tôi chỉ bé bằng đứa trẻ tung tăng chân sáo trở về…
Sôi động ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer tại TP.HCM

Sôi động ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer tại TP.HCM

(LĐTĐ) Nhằm tạo sân chơi lành mạnh và lưu giữ phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đã được tổ chức tại quận 12.
Xem thêm
Phiên bản di động