Những người đưa con thuyền trí tuệ cập bến

LĐTĐ - Khi những giá trị nhân văn trong chốn học đường đang bị thương mại hóa, những thông tin không mấy tốt đẹp về người giáo viên tràn ngập trên mặt báo, thì khuất đâu đó dưới từng mái trường, trong từng lớp học ngay giữa lòng Thủ đô, chúng ta vẫn gặp những người thầy dù bạc mái đầu nhưng vẫn cần mẫn đứng lớp dạy trò. Chính họ đã thắp lên niềm tin về hình ảnh “người mẹ hiền thứ hai”. Đặc biệt, điều khiến nhiều người khâm phục những người thầy này là không chỉ giúp “con thuyền” học trò cập bến mà quan trọng hơn cả vẫn là cái tâm của người cầm lái, vì khi tâm sáng và vững, họ sẽ kéo được học trò, kéo được phụ huynh về cùng phía với mình, để rồi cùng nhau vượt sóng gió cuộc đời, chuyên chở từng lớp, từng lớp học trò tới bến bờ thành công …

Bà giáo già và chồng giáo án “có một không hai”

Không còn thuộc quân số quản lý của ngành GD-ĐT Hà Nội đã 26 năm, nhưng suốt 16 năm qua, dù ngày nắng hay mưa, bà giáo già Hồ Hương Nam, 81 tuổi (An Dương - Tây Hồ) vẫn cần mẫn đứng lớp 5 buổi/ tuần tại lớp học "Tình thương" do bà sáng lập.

Lớp học có 15 trò của bà giáo già này rất đặc biệt. Học trò đến xin học từ khắp nơi, gần có Tây Hồ, Hoàng Mai, Từ Liêm, xa có Thanh Trì hay Ba Vì. Người ít tuổi nhất lên 6, còn trò lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 30. Tất cả đều là người khuyết tật nhưng khuyết tật chẳng ai giống ai, có trò bị câm điếc bẩm sinh, có trò bị mù, có trò bị liệt, có trò bị thiểu năng trí tuệ, động kinh… Nói về lý do mở lớp dạy học cho trẻ tàn tật, bà Nam cho hay: “Tôi đã bắt gặp ánh mắt của một số cháu bị tàn tật thèm khát được đi học, được nô đùa như bao đứa trẻ bình thường khác khiến trong lòng tôi cảm thấy trĩu nặng và nghĩ cách sao giúp cho những đứa trẻ này. Tôi nghĩ, mình còn sức khỏe và kiến thức mấy chục năm đứng lớp dạy học nên ít nhiều có thể giúp được những đứa trẻ này biết đọc biết viết, có thể hòa nhập cuộc sống và cộng đồng dễ dàng hơn”.

Lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho nhà giáo Hồ Hương Nam nhân Ngày 20-11-2013.

Nghĩ là làm, bà đã đến từng nhà có trẻ khuyết tật ở trong vùng vận động gia đình đưa con đến học chữ. Thậm chí, đồng cảm trước khó khăn của những gia đình có trẻ khuyết tật, bà Nam đã dành dụm số tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua sách bút cho trẻ cũng như không lấy tiền công dạy học.

Lớp học ban đầu đặt ngay tại nhà bà ở khu tập thể An Dương. Nhưng sau này, tiếng lành đồn xa, có những gia đình ở tận Ba Vì, Thạch Thất, Thanh Trì xa mấy chục cây cũng lặn lội tìm đến bà nhờ cậy giúp con họ, lớp học dần đông, bà cháu dắt nhau ra học nhờ ở trụ sở tuần tra của phường, rồi chuyển sang nhà văn hóa. Được một thời gian, lớp lại chuyển vào trường mầm non. Cảm phục trước tấm lòng vì trẻ khuyết tật của bà, từ năm 2002, Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ đã quyết định dành hẳn một phòng học tại Trường THCS An Dương để bà cháu yên tâm dạy nhau.

Song điều khiến các cô giáo ở trường THCS An Dương và những nhà quản lý giáo dục khi đến thăm lớp học của bà giáo Nam bất ngờ và khâm phục là chỗ, dạy mỗi trò bà lại có một cuốn giáo án riêng. 15 trò là bà soạn 15 cuốn giáo án khác nhau, trong từng giáo án thấm đẫm tinh thần kiên trì của người thầy và một tình yêu bao la như người mẹ hiền. Bởi mỗi trò mỗi bệnh, mỗi trò mỗi nhận thức khác nhau. Như để dạy được cậu học trò 33 tuổi Lưu Hoàng Dương bị liệt tứ chi cầm vững cây bút trong tay, bà phải tập cho trò trong nhiều tháng. Vì mỗi khi cầm bút, bàn tay của Dương cứ ngửa lên chứ không úp xuống như người bình thường. Vậy mà cuối cùng Dương cũng đã đặt bút viết được nét chữ o đầu tiên sau gần năm trời cô cầm tay trò uốn nắn khiến bà giáo già vui mừng đến trào nước mắt. Rồi để có thể giao tiếp và dạy những đứa trẻ bị câm điếc, bà giáo Nam không ngại tuổi cao theo học khóa dạy trẻ câm điếc của một tổ chức nước ngoài, hay mày mò tìm đọc những tài liệu về điều trị tâm lý cho trẻ khuyết tật để tìm phương pháp giáo dục tốt nhất cho trẻ. Có lẽ vì thế mà trong đồ dùng dạy học của bà giáo Nam còn có một chiếc đài, thường được bà bật nhạc thiếu nhi cho trò nghe những lúc nghỉ chơi giữa hai tiết học. Bà Nam chia sẻ: “Tôi đọc nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, âm nhạc là một phương pháp điều trị tâm lý và là cách thư giãn đầu óc hiệu quả nhất đối với những người bị căng thẳng về thần kinh. Do đó, để tránh cho những học trò của mình, nhất là những trẻ bị thiểu năng hay bị động kinh bị căng thẳng bởi việc học tập, tôi đã cho các cháu nghe nhạc sau giờ học, vừa tạo không khí lớp học vui vẻ, vừa điều trị tâm lý cho trò.

Bà giáo Hồ Hương Nam đang chỉnh nét chữ cho HS

Vì là lớp học đặc biệt nên thường xuyên xảy ra "sự cố" như bỗng dưng các em hét ầm lên hay có trò đang học thì lăn ra ngủ hoặc chạy lung tung, hiếu động; thậm chí có học sinh nam 30 tuổi rồi mà còn thực hiện vệ sinh ngay trong lớp khiến bà giáo nhiều lần phải... mệt nhoài người vì dọn dẹp.

Trực tiếp đứng ngoài cửa lớp dõi theo con cả tháng trời, nhiều phụ huynh đã bật khóc trước tấm lòng nhân hậu và sự tận tâm của bà giáo già. Chị Nguyễn Thị Hà, một trong những phụ huynh có con học bà từ những ngày đầu cho biết: “Chỉ có trò, vì sức khỏe mà phải nghỉ học, còn bà giáo già suốt 16 năm qua chưa nghỉ một ngày, cũng không hề nhận một đồng tiền lương nào. Nhiều phụ huynh trong chúng tôi tỏ ý muốn đóng góp trả công bà, nhưng bà bảo, gia đình chăm sóc con khuyết tật đã khó khăn rồi, đừng lo những việc cỏn con ấy… Quả thực, bà chẳng khác gì bà tiên trong câu chuyện cổ tích mà tôi vẫn đọc trong chuyện ngày xưa và là người mẹ hiền thứ hai của con tôi”.

Không phụ lòng bà giáo già từ tâm, lứa học sinh khuyết tật đầu tiên của bà “tốt nghiệp ra trường” đã có người... lấy chồng và có cuộc sống bình thường giống bao người. Bởi trước khi đến với lớp học của bà, người học trò ấy rất chậm chạp và tự ti. Sau một thời gian được bà kèm cặp, cô gái ấy đã biết đọc, biết viết và có thể giao tiếp với người ngoài một cách thoải mái. Giờ cô học trò ấy còn làm được công việc tạp vụ ở bệnh viện và có lương hàng tháng, rất may là đã có chàng trai yêu thương và cả hai mới làm đám cưới cách đây không lâu. Trong đám cưới cô gái ấy, bà Nam là khách mời đặc biệt của gia đình. Bởi chính bà đã giúp con họ có cơ hội sống một cách tự chủ, độc lập như người bình thường.

Nhìn những khuôn mặt hân hoan trong lớp học tình thương đặc biệt của bà giáo Nam, chúng tôi đều cảm phục sự từ tâm và nghị lực phi thường của bà giáo già. Bà Hương Nam cho biết: "Cuộc đời của tôi gắn liền với 4 chữ "tình thương và trách nhiệm". Vì thế, tôi luôn làm theo cái tâm của một nhà giáo được trưởng thành từ chiến tranh.

Ghi nhận cho những đóng góp thầm lặng của bà trong việc mở lớp học Tình thương suốt 16 năm qua, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã trao tặng bằng khen cho nhà giáo Hồ Hương Nam vì những cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục, trồng người của bà.

Gặp bà dịp Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, người đối diện thấy cay cay nơi khóe mắt khi nghe bà kể: "Mừng lắm, vì học trò đã có đứa biết chủ động cầm hoa tặng rồi".

Nhà giáo chưa biết đến “quà phong bì”

“Đã có bạn giáo viên trẻ hỏi tôi. Làm sao có thể vững tâm được trên bục giảng, thoát được áp lực vòng xoáy cơm áo gạo tiền đang bủa quanh? Tôi có khuyên các bạn đó rằng, “nhất nghệ tinh, nhất vinh thân”, yêu nghề rồi sẽ sống được bằng nghề. Bởi khi đã yêu nghề thì dù còn bộn bề khó khăn vẫn có thể vượt qua dễ dàng. Còn khi không yêu nghề thì thấy đầy những áp lực khó vượt, đồng lương không đủ sống dễ dẫn đến việc nhà giáo dạy thêm và tiêu cực hơn là tình trạng ép học sinh học thêm. Rồi khi bị áp lực cuộc sống khó khăn có người sẽ chẳng chuyên tâm với nghề và chắc chắn sẽ không có bài giảng hay truyền đạt tới học trò.” - cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi - tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Thạch Thất, Hà Nội mở lời tâm sự về nghề nghiệp của mình.

HS lớp 10 trường THPT Thạch Thất chăm chú nghe cô Cẩm Thi giảng bài.

Có lẽ, tình yêu đối với nghề giáo trong cô Cẩm Thi được vun đắp ngay trong chính ngôi nhà có tới 5 thế hệ theo nghề dạy học của mình. Cô kể: “Gia đình tôi sống ở nông thôn nhưng có nhiều thế hệ theo nghề dạy học, từ đời các cụ, ông ngoại, bố mẹ tôi đến chị em tôi rồi các con tôi bây giờ nữa. Tất cả như là một niềm đam mê kỳ lạ và khi đã lựa chọn rồi là phấn đấu không ngừng”.

Cô Thi vẫn còn nhớ rất rõ, từ hồi còn là học sinh tiểu học, theo bố tham dự những giờ sinh hoạt ngoại khóa văn chương, được nghe kể về những tác phẩm văn học nổi tiếng, những áng thơ bất hủ, lay động lòng người, cô đã cảm thấy yêu văn chương và muốn theo nghề dạy học từ đó. Chính vì thế mà cô đã quyết định thi vào khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội.

Năm 1984, tốt nghiệp Đại học, cô Thi được phân công lên Lạng Sơn dạy học. Gần 30 năm đứng trên bục giảng nhưng cô vẫn nhớ như in về những năm tháng bắt đầu dạy học đó. Để có được học sinh đến trường, thầy cô phải đến từng nhà vận động gia đình cho con em tới lớp xóa mù chữ. Có những hôm thời tiết rét buốt, sương mù giăng kín chân núi, học sinh không đến lớp. Lo sợ các em bỏ học giữa chừng, cô lại tranh thủ ngoài giờ dạy học, đi bộ đến từng gia đình để vận động họ đưa con đến trường. Cô nghĩ, nỗi buồn lớn nhất của người giáo viên là muốn dạy học mà không có học trò đến lớp .

4 năm sau, cô Thi được phân về dạy học ở quê nhà, tại trường THPT Thạch Thất. Những tưởng cuộc sống sẽ bình yên, nào ngờ nỗi bất hạnh thay nhau ập xuống cuộc đời cô. Bố của cô - một thầy giáo mẫu mực đã đột ngột qua đời sau một trận cảm nặng. Mấy tháng sau, người chồng của cô cũng lại mất trong một tai nạn rủi ro khi đứa con trai mới được 14 tháng tuổi. Thời gian đó, bản thân cô Thi cũng bị bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải nằm viện. Cô Thi tâm sự, chính sự động viên chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và niềm đam mê với nghề đã là động lực lớn để cô vượt qua khó khăn, trong cuộc sống thường nhật, đứng vững mỗi giờ lên lớp hay miệt mài bên từng trang giáo án.

Đề cập về những bất cập trong dạy và học môn văn hiện nay, cô Thi chia sẻ: “Dạy Văn quan trọng không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là truyền tải được cảm xúc đến học sinh. Vì thế, trong quá trình giảng bài, tôi thường khuyên các em hãy sống thật với tác phẩm. Tôi cố gắng truyền cảm hứng cho các em qua từng bài giảng, từng mẩu chuyện, tạo hứng thú và ý thức tu dưỡng, rèn luyện cho học sinh”. Có lẽ thế mà nhiều phụ huynh trong vùng truyền tai nhau: “Chẳng hiểu cô Thi dạy gì mà thằng con trai nhà tôi cũng trở nên ngoan hiền lạ lùng!!!”

Nhận xét về cô Thi, thầy Khuất Đăng Khoa - Hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất khẳng định: “Là đồng nghiệp, chúng tôi kính trọng cô Thi bởi những đức tính mẫu mực của một nhà giáo. Đối với học trò, cô Thi thực sự xứng đáng là người mẹ hiền thứ hai khi cô luôn yêu thương, giúp đỡ học sinh từ những trò nghèo hiếu học cho đến hết lòng bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cho trường, cho huyện”.

Không phụ lòng cô, nhiều thế hệ học sinh của cô đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, điểm cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng và sau này phần lớn đều đã thành đạt.

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Thi chưa bao giờ biết đến câu chuyện phong bì hoặc những món quà đắt tiền của phụ huynh. “Ở đâu có chứ quê tôi không hề có chuyện phong bì cho thầy cô. Ngày 20-11 vẫn chỉ là bó hoa, quyển sổ, cây bút, mà cũng lớp có, lớp không. Với giáo viên, những món quà đó, không có cũng không sao chỉ mong học trò của mình ngoan là được”. Bao năm qua, với cô giáo Thi, món quà đặc biệt nhất cô thường nhận được trong ngày lễ tết lại chính là những rổ khoai lang "cây nhà lá vườn" của phụ huynh,

học sinh nghèo nhưng yêu mến cô thật lòng.
Nở nụ cười tươi trên môi, cô nói: “Đến nay, tôi đã đi gần trọn vẹn con đường mà mình đã chọn. Tôi cảm thấy may mắn vì mình đã vượt qua bao khó khăn vất vả và bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Nghề dạy học đã cho tôi một cuộc sống rất có ý nghĩa. Nhất là những dịp 20-11, căn nhà tôi lại đầy ắp tiếng cười của các thế hệ học sinh. Có những em đã lập gia đình, kinh tế khá giả, những ngày này lại chở cả vợ con đến thăm cô, ăn bữa cơm thân mật. Chưa đến cổng đã thấy các cháu gọi bà vang cả xóm. Đây là món quà lớn nhất mà những nhà giáo như tôi mong muốn có được "- cô Thi khẳng định. Tình cảm đó như truyền thêm nghị lực để cô vững vàng hơn đi trọn con đường mình đã chọn.

Phần thưởng cho những nỗ lực và niềm tin với nghề của cô là năm học 2002-2003, cô đạt giải Nhì cuộc thi giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn do Sở GD-ĐT Hà Tây tổ chức; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại, nhận giấy khen của ngành và công đoàn. Năm 2013, cô là một trong những nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô được ngành giáo dục Hà Nội biểu dương, khen thưởng.
Xin kết thúc bài viết bằng niềm tin của cô giáo Thi: “Cuộc sống hôm nay đa diện, nhiều chiều, nhưng nếu ai đã chọn nghề dạy học, hẳn yêu nghề lắm lắm. Nếu có điều gì khiến ta xao lòng thì yêu nghề, yêu người, tâm huyết và lương tri của nhà giáo sẽ níu giữ ta lại để ta vững vàng hơn”./.

KIM THOA

Nên xem

Nguyên nhân khiến các bến xe “đìu hiu”?

Nguyên nhân khiến các bến xe “đìu hiu”?

(LĐTĐ) Thời gian gần đây, lượng hành khách vào các bến xe có xu hướng giảm mạnh, cùng với đó là hàng loạt đơn vị vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động. Thực trạng này khiến các bến xe ngày càng vắng vẻ, thưa thớt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bến bãi, điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp tháo gỡ.
Ngày 25/4: Hà Nội ngày nắng, đêm có lúc có mưa rào và dông

Ngày 25/4: Hà Nội ngày nắng, đêm có lúc có mưa rào và dông

(LĐTĐ) Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 25/4, khu vực Hà Nội ngày nắng, đêm có lúc có mưa rào và dông, nhiệt độ cao nhất là 34 độ C.
Ấn tượng chương trình “Hát cho công nhân nghe - Nghe công nhân hát” huyện Thạch Thất

Ấn tượng chương trình “Hát cho công nhân nghe - Nghe công nhân hát” huyện Thạch Thất

(LĐTĐ) Nhằm kết nối công nhân, hướng về cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thạch Thất đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Đáng chú ý là Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát” vào sáng 24/4/2024.
55 người lao động khởi kiện Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng

55 người lao động khởi kiện Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng

(LĐTĐ) Sáng 24/4, các cấp Công đoàn thành phố Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham gia buổi hòa giải lần thứ nhất vụ Công ty Cổ phần Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng nợ tiền lương, trợ cấp thôi việc của 89 người lao động.
LĐLĐ thị xã Sơn Tây thăm hỏi, tặng quà đoàn viên nhân dịp Tháng Công nhân

LĐLĐ thị xã Sơn Tây thăm hỏi, tặng quà đoàn viên nhân dịp Tháng Công nhân

(LĐTĐ) Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Sơn Tây phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty CP Bê tông Minh Đức tổ chức thăm hỏi, tặng quà đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024.
17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Triển lãm Mining Vietnam 2024

17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Triển lãm Mining Vietnam 2024

(LĐTĐ) Sáng 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng Việt Nam (Mining Vietnam 2024) đã được khai mạc tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch xây dựng Quốc gia (NECC), quận Từ Liêm, Hà Nội do Informa Markets Việt Nam tổ chức.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

(LĐTĐ) Chiều 24/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tin khác

Cẩn trọng khi sốt mò dễ nhầm lẫn với các bệnh truyền nhiễm khác

Cẩn trọng khi sốt mò dễ nhầm lẫn với các bệnh truyền nhiễm khác

(LĐTĐ) Vừa qua, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nữ bệnh nhân L.T.Q, (71 tuổi, ở Hưng Yên) nhập viện với chẩn đoán sốt mò, hạ natri máu, suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ do ung thư tuyến giáp thể nhú, viêm gan theo dõi do thuốc.
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

(LĐTĐ) Từ ngày 1/5/2024, nhiều Nghị định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Bác sĩ chỉ ra 4 nguyên tắc cơ bản sơ cứu trẻ khi bị vết thương mạch máu

Bác sĩ chỉ ra 4 nguyên tắc cơ bản sơ cứu trẻ khi bị vết thương mạch máu

(LĐTĐ) Để phòng tránh các tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ, bên cạnh việc giáo dục và tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ ai cũng cần trang bị các kiến thức sơ cấp cứu các vết thương mạch máu. Mục đích của việc sơ cứu nhằm cầm máu, hoặc khống chế sự chảy máu cho trẻ, phòng hoặc điều trị sốc và tránh các biến chứng như nhiễm khuẩn,… có thể xảy ra.
Hướng dẫn ghi Phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hướng dẫn ghi Phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 cần đọc kỹ hướng dẫn để ghi Phiếu đăng ký dự thi chính xác, đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin đã khai trong Phiếu.
Từ hôm nay (24/4), học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Từ hôm nay (24/4), học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(LĐTĐ) Từ hôm nay (24/4) đến hết ngày 26/4, các trường phổ thông sẽ cấp cho học sinh đang học lớp 12 năm học 2023-2024 tài khoản và mật khẩu đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024. Học sinh có thể thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi ngay sau khi được cấp tài khoản và mật khẩu, đến hết ngày 28/4.
Rộn ràng Ngày hội giao lưu “Em yêu Tiếng Việt” cấp Tiểu học năm học 2023 - 2024

Rộn ràng Ngày hội giao lưu “Em yêu Tiếng Việt” cấp Tiểu học năm học 2023 - 2024

(LĐTĐ) Chiều 23/4, quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức Ngày hội giao lưu “Em yêu Tiếng Việt” cấp Tiểu học năm học 2023 - 2024.
Hội Chữ thập đỏ Bình Dương trao học bổng cho học sinh khó khăn

Hội Chữ thập đỏ Bình Dương trao học bổng cho học sinh khó khăn

(LĐTĐ) Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2024, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Đồng hành vì sức khỏe của lao động nữ

Đồng hành vì sức khỏe của lao động nữ

(LĐTĐ) Đồng hành cùng tổ chức Công đoàn Thủ đô, suốt 7 năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho nữ công nhân lao động (CNLĐ) các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, mang tới cơ hội chăm sóc sức khỏe quý giá cho CNLĐ Thủ đô.
Trưng bày “Khoảng trời mới”: Tái hiện ký ức lịch sử hào hùng

Trưng bày “Khoảng trời mới”: Tái hiện ký ức lịch sử hào hùng

(LĐTĐ) Sắp tới, Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Khoảng trời mới”. Việc tổ chức trưng bày nhằm giúp công chúng hiểu hơn về các chiến dịch lịch sử trên chiến trường Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) với những câu chuyện kể về các chiến sĩ cách mạng đã trải qua những năm tháng bị địch bắt, giam cầm hà khắc trong các nhà tù thực dân. Kháng chiến thành công, họ lại cùng nhau đoàn kết, quyết liệt đấu tranh để được trao trả và trở về với cách mạng, với nhân dân.
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh

(LĐTĐ) Sự kiện “Adventure with words - Phiêu lưu cùng con chữ” vừa diễn ra tại Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.
Xem thêm
Phiên bản di động