| | Dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc không lương trong vài tháng, trong khi áp lực “cơm áo, gạo tiền”, các khoản chi tiêu sinh hoạt tiền điện, nước, tiền thuê trọ…đè nặng trên vai họ mỗi ngày. Mỗi khi nhớ lại những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thị Hà vẫn chưa hết ngậm ngùi. Nhiều năm làm giáo viên mầm non tại Cơ sở Mầm non An Đông (phường Định Công), chị chưa bao giờ nghĩ mình lại lâm vào cảnh thất nghiệp tạm thời như vậy. Hàng ngày quen với không khí vui đùa của trẻ nhỏ thì trong đợt dịch, chị phải quanh quẩn ở nhà không biết làm gì. Chị Hà cho biết, vợ chồng chị đều từ ngoại tỉnh đến Hà Nội thuê nhà sinh sống, lập nghiệp. Chồng chị là thợ chữa thiết bị điện tử tự do thu nhập không ổn định, lương giáo viên mầm non ngoài công lập của chị Hà được xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng, phải nuôi hai con nhỏ nên bình thường kinh tế gia đình đã gặp nhiều khó khăn. Từ khi dịch bệnh Covid- 19 ập đến, để phòng dịch trường học tạm đóng cửa, giáo viên tạm thời nghỉ việc không có lương, mỗi tháng chị Hà và các giáo viên khác trong trường chỉ nhận được hơn 1 triệu tiền hỗ trợ, khiến cuộc sống của gia đình chị càng thêm chật vật hơn. Chưa kể, số tiền vợ chồng chị dành dụm được đang dần cạn đi khi suốt 3 tháng nay vợ chồng chị phải nghỉ làm để phòng dịch. “Không có thu nhập nhưng tiền ăn uống hàng ngày vẫn phải chi, tiền điện, nước do ở nhà thường xuyên nên mỗi tháng cũng phải trả nhiều hơn. Mùa dịch thu nhập giảm hơn trước, hàng ngày tôi phải tính toán chi tiêu cho phù hợp. Tôi tự trồng rau, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”, chị Hà ngậm ngùi chia sẻ. Không chỉ riêng ngành nghề giáo viên bị ảnh hưởng, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn khó. Để phòng dịch, nhiều doanh nghiệp phải bố trí cho người lao động làm việc luân phiên. Nếu trước đây một tuần đi làm 6 buổi, thì trong đợt dịch, chị Trương Thị Kim Oanh, công nhân Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries chỉ còn làm 3 buổi. Từ quê Thái Bình lên Hà Nội làm công nhân đến nay đã được 9 năm, chồng chị làm lao động tự do, có 3 con nhỏ nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Từ một công nhân hàng ngày đến Công ty miệt mài làm việc trong xưởng sản xuất, nay chị Oanh chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ làm công việc nội trợ. “Gần chục năm làm công nhân chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế này, thu nhập giảm đi một nửa”, chị Oanh chia sẻ với giọng đượm buồn. | Không chỉ riêng gia đình chị Hà, chị Oanh, “cơn lốc” Covid-19 đã kéo hàng ngàn người lao động rơi vào cảnh khốn khó. Khó khăn không chỉ bủa vây người lao động, ngay cả chủ doanh nghiệp cũng lao đao khi phải tạm thời dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khối sản xuất kinh doanh đã bị thiếu hụt nguồn nhiên liệu cũng như bị đối tác hủy hợp đồng, không ký kết đơn hàng mới. Điều này khiến nhiều đơn vị buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động động khiến thu nhập hàng tháng của người lao động bị giảm sút đáng kể. | Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thành phố đã có 4.204 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, với 165.007 người lao động bị chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm; trong đó có 1.049 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Đồng thời, có 520 trường học tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 (trong đó có gần 300 đơn vị có tổ chức công đoàn cơ sở), với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp, người lao động ở khối ngành dệt may, dầy da, lắp ráp điện tử- những lĩnh vực sản xuất phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19. Trong đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính Công đoàn và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác do Covid-19. LĐLĐ Thành phố đã quyết định hỗ trợ 2 đợt với 3136 trường hơp là đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc LĐLĐ thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19, mỗi suất hỗ trợ gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 5kg gạo. | | | Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết: Trong mùa dịch, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã phát huy trách nhiệm của mình, chủ động, tích cực tham gia cùng các cấp ngành, cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống, ứng phó với dịch bệnh. Cùng đó, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống, hỗ trợ để đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động vượt khó được Công đoàn đặc biệt chú trọng. Hơn 3000 suất quà đã được LĐLĐ trao đến tay người lao động, đoàn viên công đoàn khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Những suất quà không lớn về vật chất nhưng là nguồn động viên, hỗ trợ đoàn viên, người lao động vượt qua giai đoạn này. Đồng thời, thể hiện những tình cảm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Chúng tôi mong rằng những món quà đó sẽ tạo động lực để doanh nghiệp và người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh ổn định, vượt qua những khó khăn”, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng chia sẻ. | Bên cạnh hoạt động tặng quà, các cấp công đoàn Thủ đô đã tuyên truyền, vận động các chủ trọ giảm giá tiền thuê phòng cho người lao động trong mùa dịch. Nhờ sự động viên, nhiều chủ trọ đã thực hiện những hành động đẹp, mang ý nghĩa nhân văn. Tiêu biểu, thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn hiện có gần 200 công nhân khu công nghiệp Nội Bài đang thuê trọ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công nhân xa quê bị mất việc làm hoặc đi làm gián đoạn, thu nhập giảm… Thấu hiểu được khó khăn đó của công nhân lao động, nhiều chủ trọ trên địa bàn đã miễn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân. Là một trong những người thực hiện giảm giá phòng cho người thuê trọ, ông Nguyễn Văn Định (thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến (Sóc Sơn) cho biết: Gia đình ông có khoảng 10 phòng cho thuê, do dịch bệnh Covid-19 một số công nhân phải nghỉ luân phiên theo yêu cầu của công ty. Chia sẻ với những lo toan, bộn bề trong đời sống của người lao động xa quê, ông cùng gia đình đã bàn bạc và thống nhất giảm tiền thuê trọ cho công nhân với mong muốn được chia sẻ khó khăn trong mùa dịch. Để việc miễn, giảm giá phòng đảm bảo phù hợp với từng hoàn cảnh, ông Định đã đến từng phòng, trò chuyện để khảo sát, tìm hiểu tình hình công ăn việc làm của từng người thuê trọ, sau đó ông đưa ra những mức hỗ trợ khác nhau. “Cũng có vài phòng người ta nghỉ luôn về quê giờ vẫn để trống, nhưng những ai còn trụ lại thì mình phải tìm cách để họ bớt khó khăn. Trước mắt, tôi giảm 100% giá thuê phòng đối với trường hợp người thuê bị nghỉ việc không lương và giảm 50% cho các trường hợp tạm thời nghỉ việc được hưởng 70% lương cơ bản trong tháng 4 này. Tháng sau, nếu có khó khăn hơn hay dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì tôi sẽ tính tiếp”, ông Định chia sẻ. Không chỉ riêng ông Định, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Công đoàn và sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều chủ nhà trọ đã giảm tiền thuê trọ cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Đơn cử như ông Nguyễn Tuấn Khải – chủ nhà trọ ở tổ 2, Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh đã giảm 20% tiền thuê phòng cho người lao động thuê trọ; bà Lê Thị Ngãi – chủ nhà trọ ở thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã giảm tiền cho thuê 10 phòng trọ, mỗi phòng giảm 200.000 đồng; bà Phạm Thị Hợp – chủ nhà trọ ở thôn Bầu xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã giảm tiền thuê cho 25 phòng trọ từ 700.000 đồng/phòng xuống 500.000 đồng/phòng; bà Lê Thị Huyền – chủ nhà trọ ở thôn Bầu xã Kim Chung, huyện Đông Anh giảm tiền thuê cho 2 phòng trọ từ 1.500.000 đồng/phòng xuống 1.000.000 đồng/phòng; bà Lê Thị Miều (đội 4, thôn Bầu, xã Kim Chung huyện Đông Anh) giảm giá 50% tiền phòng trong hai tháng 3 và 4 cho người thuê trọ... Là một trong những công nhân thuê trọ được giảm tiền phòng, anh Phạm Đức Phiện (công nhân thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) chia sẻ: “Hơn một tháng qua, để đảm bảo phòng dịch, công ty đã bố trí cho công nhân tạm thời nghỉ việc, thu nhập giảm nhiều so với trước đây, khó khăn chồng chất nên việc chủ nhà trọ giảm 50% cho mỗi phòng thuê có ý nghĩa lớn đối với gia đình tôi. Tôi rất vui và cảm thấy biết ơn tấm lòng của chủ trọ đã giúp và chia sẻ khó khăn cho tôi cũng như nhiều công nhân khác, được giảm tiền phòng, chúng tôi bớt đi phần nào nỗi lo cơm áo, gạo tiền trong mùa dịch”. | | Với tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia, đồng hành cũng người lao động, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, cán bộ Công đoàn Thủ đô lại tất bật, bận rộn đến từng cơ sở, thăm từng người lao động để chia sẻ, động viên, hỗ trợ giúp đoàn viên, người lao động vượt khó. Tại các chuyến đi, các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ Thành phố ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, đời sống việc làm của người lao động đồng thời đôn đốc, nhắc nhở các công đoàn cơ sở sở tiếp tục sát cánh, đồng hành với chuyên môn, lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực vượt mọi khó khăn, không lơi là các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tìm giải pháp duy trì hoạt động, sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động. | | Ghi nhận từ các chuyến thăm, trao quà hỗ trợ của LĐLĐ Thành phố tại cơ sở cho thấy, đoàn viên, công nhân viên chức lao động rất xúc động trước sự có mặt và những lời chia sẻ, động viên ân cần của lãnh đạo LĐLĐ Thành phố và cán bộ công đoàn các cấp. Nhiều người chia sẻ, trong lúc khó khăn, được nhận một đồng hỗ trợ cũng là quý, vì thế, sự quan tâm của tổ chức Công đoàn thực sự khiến đoàn viên, người lao động cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để vượt khó sớm ổn định cuộc sống đồng thời có thêm niềm tin vào Công đoàn- điểm tựa vững vàng, tổ ấm của mọi đoàn viên, người lao động. Đón nhận những phần quà thiết thực và ý nghĩa mà Công đoàn trao tặng, chị Nguyễn Thị Hà (giáo viên cơ sở trường Mầm non An Đông, phường Định Công) rưng rưng xúc động: “Đối với nhiều người, 1 hay 2 triệu không phải là số tiền lớn, nhưng đối với những giáo viên mầm non ngoài công lập như tôi, nhất là ở tình cảnh hiện tại, đây là một khoản kinh phí có giá trị, phần nào giúp tôi trang trải chi tiêu trong những ngày khó khăn. Tôi thật sự cảm thấy may mắn khi mình tham gia Nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập, được là một đoàn viên Công đoàn và rất ấm lòng trước sự quan tâm của tổ chức Công đoàn. Khi dịch bệnh kết thúc, được quay trở lại trường, tôi sẽ đem hết tâm sức làm tốt công việc của mình để không phụ tình cảm, sự quan tâm của tổ chức Công đoàn”. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn hướng tới người lao động trong thời điểm dịch bệnh. Thời điểm này, ở nước ta dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn mới. Song song với các biện pháp chống dịch các doanh nghiệp tiếp tục trở lại sản xuất, không khí thi đua lao động ở mỗi đơn vị trở nên sôi nổi, khẩn trương hơn. Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn nhưng đoàn viên, người lao động đều cảm thấy phấn khởi, ấm lòng hơn khi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của tổ chức Công đoàn. Nội dung: Phương Ngân – Nguyễn Hoa Ảnh: Mai Quý – Lương Hằng Trình bày: Quốc Đại | | | |